Eximbank phải trả thêm cho bà Chu Thị Bình hơn 115 tỉ

Ngày 19-4, sau một buổi xét xử TAND cấp cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm phần dân sự vụ khách hàng là bà Chu Thị Bình bị các nhân viên ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) làm "bốc hơi" 245 tỉ đồng.

Bản án sơ thẩm tháng 11-2018 trước đó nhận định: Từ tháng 1-2012 đến tháng 3-2017, Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, làm việc tại Eximbank TP HCM) lập tài khoản giả mạo tên Nguyễn Thị Hồng Lê; giấy ủy quyền giả mạo với nội dung: Bà Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong rút tiền trong tài khoản tiết kiệm gửi ở Eximbank TP HCM. Khi xét duyệt, làm hồ sơ rút tiền, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng trình tự, quy chế.
Lợi dụng sơ hở trên, Hưng rút ra hơn 264 tỉ đồng từ 13 tài khoản tiết kiệm của 3 khách hàng. Trong đó, 11 sổ tiết kiệm trị giá hơn 245 tỉ đồng của bà Bình, 1 sổ tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm hơn 10 tỉ đồng, 1 sổ tiết kiệm của bà Lê Thị Minh Quí hơn 8,9 tỉ đồng.
Như vậy, Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do Hưng đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan chức năng tạm đình chỉ điều tra, ra quyết định truy nã. Theo toà sơ thẩm, người chiếm đoạt toàn bộ số tiền thiệt hại là Hưng. Do đó, ông này phải có trách nhiệm khắc phục thiệt hại ngân hàng gánh chịu.
Tuy nhiên, ông Hưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra, ra quyết định truy nã. Trách nhiệm đền bù thiệt hại trong vụ án sẽ được xử lý khi cơ quan chức năng tìm thấy thủ phạm, điều tra và đưa ra xét xử. Ngân hàng có trách nhiệm tất toán 245 tỉ đồng cùng lãi phát sinh là 103 tỉ đồng cho bà Bình
Từ đó toà tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Thủy, cựu giao dịch viên Phòng Dịch vụ khách hàng cá nhân (DVKHCN), 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Ngọc Trâm, cựu giao dịch viên Phòng DVKHCN và Nguyễn Thị Thi, cựu kiểm soát viên Phòng DVKHCN, mỗi người 3 năm án treo; Trần Nguyễn Xuân Lan, cựu giao dịch viên Phòng DVKHCN, 2 năm 6 tháng án treo; Cao Lan Phương, cựu phó trưởng Phòng DVKHCN và Lương Quốc Anh, cựu nhân viên ngân quỹ, mỗi người 2 năm án treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Về dân sự, TAND TP.HCM quyết định Eximbank tất toán 245 tỉ đồng cùng lãi phát sinh là 103 tỉ đồng cho bà Bình với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Không đồng tình Eximbank kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị xem xem lỗi và một phần trách nhiệm của bà Bình đối với thiệt hại xảy ra, do bà Bình có lỗi ký khống trong một số giấy tờ, tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt tiền của ngân hàng. 

Đại diện Eximbank đứng trình bày tại phiên phúc thẩm.

Sau khi biết Eximbank có kháng cáo, bà Bình đã đến Eximbank rút toàn bộ 245 tỉ đồng tiền gốc tại đây đồng thời gửi đơn kháng cáo yêu cầu Eximbank tất toán 103 tỉ đồng (tiền lãi 3 sổ tiết kiệm) theo quyết định từ cấp sơ thẩm; 16 tỉ đồng tiền phạt chậm trả lãi. Chưa hết, bà Bình đề nghị xem xét trách nhiệm tổng giám đốc, ban quản lý Eximbank TP.HCM

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Thủy, 5 bị án và những người liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt. Tất cả giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm. Còn bà Bình khẳng định bản thân không có lỗi trong việc ông Hưng chiếm đoạt tiền ngân hàng. Eximbank TP.HCM giữ nguyên quan điểm kháng cáo. Phía ngân hàng không đồng ý trả lãi suất vì cho rằng bà Bình phải chịu một phần trách nhiệm dân sự trong vụ việc.

Bà Bình trình bày kháng cáo tại phiên phúc thẩm.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX sửa một phần án sơ thẩm theo hướng buộc ngân hàng chi trả số tiền tiết kiệm cho bà Bình theo quy định Ngân hàng nhà nước. Về khoản phạt chậm trả lãi 16 tỉ đồng bà Bình yêu cầu, đại diện VKS cho rằng pháp luật không có cơ sở xem xét chấp nhận.

HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà Bình. Theo đó, HĐXX buộc Eximbank TP.HCM trả bà Bình tiền lãi phát sinh tới nay là hơn 115,4 tỉ đồng. HĐXX nhận định ngân hàng áp dụng cách tính lãi không kỳ hạn đối với 3 sổ tiết kiệm đứng tên bà Bình là trái quy định Ngân hàng nhà nước ban bố. Trước phiên tòa sơ thẩm, Eximbank TP HCM đã tất toán cho bà Bình 3 sổ tiết kiệm và chỉ giữ lại lãi phát sinh.

Về yêu cầu xem xét trách nhiệm lãnh đạo ngân hàng, HĐXX nhận thấy cấp sơ thẩm trước đó không xem xét nên cấp phúc thẩm không có thẩm quyền giải quyết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm