Được người khác thuê chặt chân tay, có bị xử lý hình sự?

Liên quan đến vụ việc chị LTN (30 tuổi, trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội) tự thuê người chặt chân, tay của mình nhằm yêu cầu bảo hiểm bồi thường hơn 3 tỉ đồng gây chấn động dư luận, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Lý do là bởi hành vi của chị N. có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên mục đích chưa thành.

Bên cạnh việc có khởi tố vụ án hay không, một vấn đề khác đang được rất nhiều người quan tâm đó là DVD, người được chị N. thuê chặt chân, tay với giá 50 triệu đồng, sẽ bị xử lý ra sao?

Trả lời câu hỏi này với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi của D. có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, tuy nhiên việc khởi tố thì lại phụ thuộc vào bị hại có đơn yêu cầu hay không.

Theo luật sư này, dù được chị N. đồng thuận và thuê tiền thì hành vi của D. vẫn có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo Điều 104 BLHS. "Đây là lỗi cố ý trực tiếp, D. buộc phải nhận thức hành vi dùng dao tác động vào chân, tay người khác là trái pháp luật" - luật sư Thơm phân tích.

Chân và tay của chị N. đã bị chặt đứt. Ảnh: CAND

Chân và tay của chị N. đã bị chặt đứt. Ảnh: CAND

Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng D. lại phải theo quy định pháp luật. Cụ thể, nếu Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại (theo Điều 105 BLTTHS).

Nghĩa là chị N. hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn yêu cầu khởi tố D. Tiếp đó, chị N. phải đi giám định để các cơ quan chuyên môn xác định tỉ lệ thương tật theo quy định của pháp luật. Sau khi giám định thì tỉ lệ thương tật của chị N. sẽ là căn cứ xử lý đối tượng theo quy định.

“Những vụ án về các tội phạm như trường hợp này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại” - luật sư Thơm cho hay.

Vị luật sư cũng phân tích thêm trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Chỉ trong trường hợp có căn cứ xác định việc rút yêu cầu khởi tố là trái với ý muốn của người yêu cầu khởi tố (do bị ép buộc, cưỡng bức) thì các cơ quan tố tụng vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Ngược lại, người bị hại khi đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp việc rút yêu cầu là do bị ép buộc, cưỡng bức.

Chia sẻ thêm về hành vi thuê người chặt chân, tay của mình nhằm trục lợi hơn 3 tỉ đồng từ bảo hiểm của chị LTN, luật sư Thơm cho rằng dù không khởi tố vụ án hình sự nhưng cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với chị N. về hành vi báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Nghị định 167/2013.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm