Đúng, sai việc truy tố ông Vũ Huy Hoàng 'siêu tốc'

Như PLOđã thông tin, cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) và đề nghị truy tố các bị can liên quan đến sai phạm quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1). Hiện toàn bộ hồ sơ cùng bản kết luận này đang được chuyển đến VKSND Tối cao.
Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố ông Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng (cựu vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương) về tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015.

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) liên quan đến sai phạm của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Như vậy, chỉ sau ba ngày khởi tố bị can (ngày 10-7) đối với ông Vũ Huy Hoàng, thì ngày 13-7 CQĐT đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Hoàng cùng các đồng phạm liên quan.
Vậy quy định pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này ra sao? 
TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, ngày 10-7, CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Hoàng. Đến ngày 13-7, CQĐT đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố với ông Hoàng và đồng phạm.
Theo quy định tại Điều 179 BLTTHS 2015 về khởi tố bị can, khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện một tội phạm, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can.
Theo quy định tại Điều 85, Điều 233 BLTTHS 2015, khi có căn cứ xác định diễn biến hành vi phạm tội; chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra… thì CQĐT ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố.
Trên thực tế, việc Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng là kết quả của hoạt động điều tra mở rộng đối với vụ án của ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM).
Vụ án này đã được khởi tố và điều tra từ tháng 11-2018, theo đó, hành vi vi phạm pháp luật của ông Hoàng đã được tiến hành điều tra trước khi CQĐT ra quyết định khởi tố bị can đối với ông này.
Khi có đủ tài liệu, chứng cứ xác định những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự, CQĐT ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố.
Như vậy, việc CQĐT Bộ Công an ra bản KLĐT đề nghị truy tố đối với ông Vũ Huy Hoàng chỉ sau ba ngày ra quyết định khởi tố bị can là không trái với quy định của BLTTHS 2015.

Nhiều cựu cán bộ ở TP.HCM bị khởi tố trước đó

Theo kết luận điều tra, ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành công thương; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (trong đó có Tổng Công ty Sabeco).

Mặc dù biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp giao cho Tổng Công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59 %) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, hội nghị... và không được thành lập pháp nhân mới.

Tuy nhiên, ông vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định để đầu tư dự án.

Ngoài ra, trong vụ án này, tháng 11-2018 các bị can Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM), Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng Phòng đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng quản lý đất Sở TN&MT TP.HCM), Lâm Nguyên Khôi (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT), Nguyễn Quang Minh (cựu trưởng Phòng hạ tầng Sở KH&ĐT TP.HCM) bị đề nghị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS 2015. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm