Đóng bao nhiêu tiền để tòa ngăn chặn tẩu tán tài sản?

Tháng 7-2015, bà NTT (Bà Rịa-Vũng Tàu) khởi kiện ông NTH tại TAND quận 11, TP.HCM yêu cầu chia thừa kế đối với căn nhà (diện tích 41 m2) tại quận 11.

Hai vụ tiêu biểu

Theo bà T., bà và ông H. đều là con nuôi trong một gia đình. Sau khi cha mẹ nuôi qua đời, ông H. đã lập thủ tục kê khai hưởng trọn di sản thừa kế. Trong quá trình tòa thụ lý, ông H. cho tặng toàn bộ căn nhà cho vợ.

Vợ ông chuyển nhượng cho người khác với giá 1,5 tỉ đồng. Sau khi chuyển nhượng, chủ mới của căn nhà chưa có nhu cầu ở nên vẫn tiếp tục để cho gia đình ông H. lưu trú tại đây.

Biết được sự việc, bà T. yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp, tòa ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm với số tiền 1,5 tỉ đồng trong thời hạn hai ngày làm việc.

Cho rằng việc đóng số tiền này là không phù hợp, bà T. đã khiếu nại. Chánh án giải thích khoản tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm do tòa ấn định nhưng phải tương đương với thiệt hại xảy ra.

Do thời hạn hai ngày để thực hiện việc nộp tiền đã hết, nếu bà T. vẫn muốn tiếp tục yêu cầu ADBPKCTT thì bà làm đơn lại và dự toán giá trị căn nhà tranh chấp hiện nay, nếu việc ngăn chặn không đúng sẽ gây thiệt hại là bao nhiêu?Trong khi đó tại buổi hòa giải, hai bên thỏa thuận giá 3 tỉ đồng.

Hình minh họa

Năm 2009, ông THT khởi kiện ông MVN tại TAND quận 10, TP.HCM yêu cầu đòi nợ cả gốc và lãi 38 tỉ đồng. Theo ông T., ông N. vay tiền ông để mua lô đất 4.250 m2 ở quận 7.

Ông N. có giao cho ông T. một bản phôtô hợp đồng đặt cọc lô đất nêu trên. Nội dung thể hiện ông V. và ông TMC là bên đặt cọc mua đất. Sau khi đặt cọc, người đứng tên chủ quyền đất sẽ là ông TMC (ngụ quận 3, TP.HCM).

Hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu của ông T., buộc ông N. phải trả số tiền 36 tỉ đồng. Thế nhưng tháng 4-2015, TAND Tối cao giám đốc thẩm hủy cả hai bản án. TAND quận 10 thụ lý lại vụ án.

Ông T. yêu cầu tòa ADBPKCTT phong tỏa lô đất nêu trên, tòa buộc ông T. đóng 150 triệu đồng. Ông T. làm theo và tòa đã ra QĐ ADBPKCTT. Trong khi đó, trong buổi hòa giải, phía nguyên đơn đưa ra giá đất 100 tỉ đề nghị các bên thương lượng nhưng phía ông C. không đồng ý.

Trong các vụ án trên, mức đóng để thực hiện biện pháp ngăn chặn cấm chuyển dịch tài sản có nhiều chênh lệch, vậy quy định của pháp luật về vấn đề này ra sao? 

Chưa có hướng dẫn cụ thể?  

Theo ThS Huỳnh Quang Thuận (Trường Đại học Luật TP.HCM), cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là một BPKCTT mà quá trình giải quyết vụ án thấy có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

Theo Điều 136 BLTTDS 2015, người yêu cầu tòa áp dụng biện pháp nêu trên phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá.

Giá trị của của tài sản thực hiện biện pháp bảo đảm sẽ do tòa án ấn định và phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc AD BPKCTT không đúng.

Tuy nhiên, tổn thất và thiệt hại ở đây chưa xảy ra nên để xác định một cách chính xác và thống nhất mức bảo đảm là rất khó khăn.
Nghị quyết 02/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trước đây từng hướng dẫn việc dự kiến và tạm tính thiệt hại có thể xảy ra chỉ mang tính chất tương đối, dựa trên sự tạm tính của người yêu cầu (có thể lấy ý kiến của người bị yêu cầu trong một số trường hợp) và xem xét của thẩm phán hoặc HĐXX. Nói cách khác, việc ấn định mức bảo đảm phụ thuộc rất lớn vào ý chỉ chủ quan của những người có thẩm quyền.

Đồng tình, luật sư Lê Xuân Thụ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng tổn thất hay thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc ADBPKCTT không đúng là những tổn thất, thiệt hại dự trù, chưa có trên thực tế, có thể xảy ra hoặc không xảy ra.

Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách thức để tòa tính toán, xác định mức độ tổn thất để từ đó cụ thể hóa nó bằng tiền.

Thông thường tòa sẽ buộc người yêu cầu gửi một khoản tiền cụ thể tại một tổ chức tín dụng do tòa chỉ định. Và quyền quyết định đối với khoản tiền này do tòa mà cụ thể chính là thẩm phán trực tiếp giải quyết ra quyết định dựa trên hồ sơ, tài liệu vụ án và nghiệp vụ chuyên môn của thẩm phán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm