Đòi cả vườn nhưng được trả 420 cây mít

Theo đơn khởi kiện, phía bà H. trình bày năm 2005 bà nhận chuyển nhượng đất từ người khác và được UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 3.000 m2. Bà H. lên liếp đất để trồng cây xoài. Do xoài chết nên bà trồng các loại cây như măng cụt, sầu riêng chen vào. Sau đó, bà H. cho ông T. (là cháu gọi bà bằng dì) mượn đất làm rẫy và chăm sóc cây giúp bà.

Sơ thẩm: Trả giá trị các loại cây trồng

Việc mượn đất hai bên thỏa thuận miệng, khi nào cần sử dụng đất thì bà lấy lại. Nay bà có yêu cầu sử dụng đất và đòi lại nhưng ông T. không trả nên bà khởi kiện yêu cầu ông T. trả lại đất.

Phía bị đơn, ông T. trình bày trên đất ông có trồng 500 cây mít Thái, 50 cây măng cụt, năm cây sầu riêng, 23 cây cóc, một cây vú sữa, tám cây hạnh, hai cây quýt, ba cây xoài, một cây bưởi và hai bụi chuối.

Nay bà H. yêu cầu trả đất ông đồng ý nhưng bà phải trả cho ông giá trị các loại cây trồng kể trên, tổng cộng là 200 triệu đồng hoặc theo định giá của Nhà nước. Nếu bà H. không đồng ý trả tiền thì ông sẽ sử dụng thêm 10 năm nữa rồi trả đất cho bà mà không yêu cầu trả giá trị cây trồng. Ông T. cũng cho biết ông chỉ bỏ tiền của mình ra mua cây mít giống, còn lại do bà H. bỏ tiền mua các loại cây khác.

Xử sơ thẩm vào tháng 11-2017, TAND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nhận định quan hệ tranh chấp là hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất không thu tiền vì theo pháp luật không có quy định nào cho mượn đất. Do hợp đồng hai bên chỉ là thỏa thuận miệng trong khi theo quy định pháp luật, bắt buộc trường hợp cho thuê đất phải lập thành văn bản và phải công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Do đó, hợp đồng miệng cho mượn đất giữa bà H. và ông T. là vô hiệu.

Về yếu tố lỗi, tòa sơ thẩm cho rằng cả hai bên cùng có lỗi vì không lập hợp đồng bằng văn bản, không công chứng hoặc chứng thực và đăng ký theo quy định của pháp luật. Về cây trồng trên đất thuê, do ông T. tự ý trồng mà không được sự đồng ý của bà H. nên đây là lỗi của ông T. Do đó, xét về lỗi thì ông T. chịu lỗi 70%, bà H. chịu lỗi 30% để xem xét, giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Căn cứ vào biên bản định giá về cây trồng ngày 9-8-2017, tổng giá trị cây trồng là hơn 150 triệu đồng nên ông T. chỉ được hưởng 30% tổng giá trị cây trồng này là hơn 45 triệu đồng, xem đây là hỗ trợ giá cây giống, công sức trồng và chăm sóc cây của bị đơn.

Từ đó, tòa sơ thẩm buộc ông T. trả lại đất cho bà H. với diện tích thực tế là gần 2.500 m2 (theo giấy cho mượn là 3.000 m2), đứng tên bà H. và buộc bà H. phải trả giá trị cây trồng cho ông T. tương đương hơn 45 triệu đồng. Sau khi trả giá trị cây trồng cho ông T., bà H. được toàn quyền sử dụng số cây trồng trên đất.

Phúc thẩm: Chỉ tính số cây mít

Sau đó, ông T. kháng cáo yêu cầu được bồi thường toàn bộ giá trị cây trồng theo định giá hoặc theo giá trị cây mít của ông.

Xử phúc thẩm mới đây, TAND TP Cần Thơ xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp quyền sử dụng đất. Đất do bà H. chuyển nhượng và đã được cấp giấy đứng tên bà nên cấp sơ thẩm buộc ông T. trả đất cho bà H. là đúng.

Về cây trồng, ông T. thừa nhận trong thời gian sử dụng ông bỏ tiền mua cây mít giống về trồng. Còn những cây như sầu riêng, xoài, cóc, hạnh, vú sữa, chuối là của bà H. Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ghi nhận có 420 cây mít loại A và 38 cây mít loại B. Ông T. chỉ trồng cây mít, nay lại yêu cầu bồi thường giá trị các cây khác của bà H. là không có cơ sở chấp nhận.

Án sơ thẩm lấy tổng số giá trị toàn bộ cây trồng trên đất là hơn 150 triệu đồng và cho ông T. hưởng 30%, tương đương hơn 45 triệu đồng là chưa phù hợp. Bởi lẽ ông T. chỉ đầu tư cây mít nên ông chỉ được hoàn trả giá trị cây mít.

Về giá trị hoàn trả, án sơ thẩm nhận định hai bên có lỗi do không lập hợp đồng bằng văn bản, không công chứng hoặc chứng thực và đăng ký theo quy định là chưa chính xác. Vì bà H. đã tự nguyện cho ông T. mượn đất trồng rẫy, bù lại ông T. phải có trách nhiệm chăm sóc cây cho bà H., tức cả hai bên đều có lợi. Ông T. cũng không phải có nghĩa vụ trả tiền thuê đất vì thế đây không phải là hợp đồng thuê đất nên không thể đánh giá mặt lỗi đối với giá trị cây trồng.

Theo HĐXX, ông T. đã trồng mít trên đất được bà H. cho mượn là không sai. Khi ông T. trồng thì bà H. không phản đối, nay mít đang trong giai đoạn cho trái, nếu giao trả đất cho nguyên đơn thì nguyên đơn phải hoàn trả đầy đủ giá trị cây mít cho bị đơn, có như vậy thì mới có lý có tình.

Căn cứ biên bản định giá ngày 9-8-2017, 420 cây mít loại A có giá trị là hơn 80 triệu đồng, 38 cây mít loại B có giá trị hơn 5 triệu đồng, tổng cộng hơn 85 triệu đồng.

Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của ông T., buộc vợ chồng ông T. trả lại cho bà H. diện tích đất theo thực tế gần 2.500 m2 (theo giấy là 3.000 m2) đứng tên bà H. Bà H. có trách nhiệm hoàn trả giá trị cây trồng là cây mít cho vợ chồng ông T. số tiền hơn 85 triệu đồng. Tất cả cây trồng trên đất theo biên bản thẩm định thuộc quyền sở hữu của bà H.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm