Đình chỉ vụ cả nhà đi tù vì mấy cái tát

Anh Phương cho biết, công an huyện Di Linh, Lâm Đồng vừa mời bốn người trong gia đình anh lên nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can. Trong quyết định nêu rõ: “Sau khi tiến hành điều tra người bị hại là Đoàn Thị Tuyết đã có đơn đề nghị không xử lý hình sự đối với bị can Trịnh Văn Chân, Trịnh Văn Phương, Trịnh Thị Nga, Trương Thị Hằng”, nên từ đó cơ quan điều tra đình chỉ điều tra đối với tội cố ý gây thương tích.

Anh Phương nói gia đình anh đã làm đơn khiếu nại yêu cầu công an phải kết luận hành vi của bốn người nhà anh là không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS.

Việc đình chỉ điều tra theo đơn yêu cầu của bị hại làm cho gia đình anh Phương khó mà được minh oan.

Theo hồ sơ, một ngày tháng 10-2012, nghe tin bà Đoàn Thị Tuyết nói vợ mình “ngủ với người cùng thôn”, ông Trịnh Văn Chân mời bà Tuyết qua nhà ông nói chuyện. Trong lúc lời qua tiếng lại, vợ chồng ông Chân cùng với hai người con tát bà Tuyết vài cái gây thương tích 4%.
Ban đầu, Công an huyện Di Linh ra quyết định xử phạt hành chính gia đình ông Chân. Ba năm sau, VKS yêu cầu hủy quyết định trên để khởi tố cả vợ chồng và hai con ông Chân về tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS (trường hợp cố ý gây thương tích đối với người khác không có khả năng tự vệ). Xử sơ thẩm, TAND huyện Di Linh phạt ông Chân và con trai mỗi người sáu tháng tù treo, vợ và con gái ông mỗi người sáu tháng cải tạo không giam giữ.
Sau đó Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phân tích hành vi của bốn bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi bị hại chỉ bị thương tích 4%, là người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì hoàn toàn có thể kêu cứu, chống cự để tự vệ khi bị tát bằng tay. Chỉ khi nào tất cả sự chống cự này bị khống chế, làm cho bị hại lâm vào tình trạng không chống cự được nữa thì mới có cơ sở xác định bị hại không có khả năng tự vệ.
Đặc biệt, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM còn đứng ra làm 'hoà giải viên' hàn gắn tình chị em kết nghĩa giữa gia đình ông Chân với bà Tuyết được bình thường trở lại.

Từ đấu tranh của Pháp Luật TP.HCM mà toà phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng đã huỷ bản án sơ thẩm của TAND huyện Di Linh. Ảnh: NGÂN NGA

Cuối tháng 12-2016, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng nhận định lời khai của bị hại, nhân chứng có mâu thuẫn với nhau. Bản án sơ thẩm chưa làm rõ bà Tuyết có khả năng tự vệ hay không nên tòa hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm