Đình chỉ vụ án gây thiệt cho bị can

Hồ sơ ghi nhận khoảng 17 giờ 30 ngày 22-7-2013, Nguyễn Văn Hào nhận được tin báo có xe máy kéo vận chuyển gỗ ở khu vực thôn 9, xã EaWer, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Lúc đó, Hào đã báo cáo với đội trưởng Đội cơ động số 2, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn và được phân công cùng ba nhân viên khác đi làm nhiệm vụ. Theo đó, Hào làm tổ trưởng và được cấp một khẩu súng AK.

Viện nói tội này, tòa nói tội khác

Đến khoảng 19 giờ 30 khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, Hào cùng tổ công tác phát hiện Y Jẽ Hra chạy xe máy kéo chở Y Koãi Hra, Y Bai Hra, Y Khóc Hra đang vận chuyển một lóng gỗ đến đoạn đường liên thôn thuộc buôn Tul B. Hào liền dùng súng AK bắn chỉ thiên hai phát nhưng Y Jẽ Hra không dừng lại mà tiếp tục cho xe chạy. Lúc này Hào cùng tổ công tác dùng xe mô tô đuổi theo và dùng súng bắn chỉ thiên nhiều phát. Thấy vậy, Y Koãi Hra, Y Bai Hra, Y Khóc Hra đã hất lóng gỗ xuống đường. Sau đó, cả bốn người đã quay lại hiện trường xin lại lóng gỗ nhưng các nhân viên kiểm lâm không cho.

Bấy giờ có nhiều người dân kéo đến hiện trường để xem. Y Koãi Hra đến gần chỗ Hào xin lại lóng gỗ nhưng Hào và tổ công tác không cho với lý do đây là gỗ tươi, mới khai thác. Thế nhưng Y Koãi lại cho rằng đó là gỗ khô và để chứng minh điều này, anh dùng dao chặt vào lóng gỗ một phát. Lúc đó, Hào đã dùng súng bắn liên tục ba phát, trong đó có một phát trúng ngón chân trái của anh Y Kút Ayun gây thương tích 15%.

Cho rằng bốn người trên đã có hành vi vận chuyển 0,378 m3 gỗ căm xe, CQĐT đã đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.

Anh Nguyễn Văn Hào không đồng ý với việc VKSND huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đình chỉ vụ án cố ý gây thương tích. Ảnh: N.NGA

Riêng Hào bị bắt và bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS. Cáo trạng ngày 23-1-2014 và cáo trạng ngày 24-10-2014 đều nhận định: “Do coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe của người khác nên vào khoảng 19 giờ 30 ngày 22-7-2013, trong lúc thi hành công vụ Hào đã sử dụng vũ khí quân dụng, súng AK trong trường hợp không được pháp luật cho phép, bắn trúng chân trái và chân phải của anh Y Kút Ayun gây thương tích 15%...”.

Tuy nhiên, hai lần VKSND huyện Buôn Đôn chuyển hồ sơ qua tòa thì đều bị TAND huyện này trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Mục đích là để VKSND huyện này xem xét truy tố về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ.

Hơn hai năm sau, tháng 8-2015, VKSND huyện này đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Lý do: Hiện trường nơi xảy ra vụ án được xác định thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Yok Đôn, nằm ngoài diện tích vườn quản lý. Hào đã bồi thường hơn 35 triệu đồng cho người bị hại. Sau khi gây thương tích, Hào đã khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả. Hiện sức khỏe của anh Y Kút đã bình phục, hành vi của Hào không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Mặt khác theo báo cáo của Vườn quốc gia Yok Đôn, trong thời gian được bảo lãnh, Hào đã chấp hành tốt nội quy của cơ quan, không có hành vi vi phạm nào khác. Từ đó VKSND miễn trách nhiệm hình sự cho bị can theo Điều 25 BLHS.

Đình chỉ kiểu nào mới đúng?

Lý giải với PV vì sao lại bắn súng xuống đất, anh Hào nói: “Lúc ấy rất nhiều người dân đến vây quanh, áp sát tổ công tác, buộc tôi phải giữ chắc khẩu súng chĩa xuống đất theo chiều hướng vuông góc đề phòng cướp cò gây nguy hiểm cho nhiều người. Chân tôi vẫn đè lên lóng gỗ, yêu cầu mọi người lùi ra xa tổ tuần tra nhưng họ vẫn không lùi và có người còn dùng dao chặt vào lóng gỗ gần bàn chân tôi. Họ áp quá sát người tôi mà khẩu súng AK lại dài, không thể chĩa súng lên trời để bắn chỉ thiên vì như thế súng sẽ trúng người dân, dễ bị cướp cò, rất nguy hiểm. Trước tình thế cấp bách, tôi buộc phải nổ súng ở dưới đất để tránh nguy hiểm tới nhiều người và để cảnh cáo, răn đe, bảo vệ hiện trường”.

Anh Hào cho biết đây là tai nạn nghề nghiệp: “Giờ họ đình chỉ như thế thì lý lịch tôi bị xấu, con tôi mai mốt có lớn lên đi thi vào ngành công an cũng không được. Họ bắt giam tôi gần ba tháng trời rồi ngâm hồ sơ đến hai năm vẫn không đưa vụ án ra xét xử. Cha mẹ, vợ con tôi ở bên ngoài lao đao khổ sở, vợ tôi bị rối loạn tiền đình xỉu lên xỉu xuống, từ một người gần 50 kg xuống còn 33 kg, tinh thần hoảng loạn, nhiều lúc tưởng như chết. Giờ tôi chỉ cần họ đến gia đình xin lỗi tôi trước mặt cha mẹ và cơ quan tôi cho hợp lẽ”.

Đại diện TAND huyện Buôn Đôn (xin không nêu tên) cho biết: “Vụ án này tòa đã hai lần trả hồ sơ, còn nếu như VKSND vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố tội cố ý gây thương tích thì chúng tôi sẽ tuyên bị cáo không phạm tội. Anh Hào có giấy phép sử dụng súng, kể cả ngoài giờ hành chính. Do anh đang đi thi hành công vụ nên đây phải là tội gây thương tích khi thi hành công vụ mà tội này tỉ lệ thương tật phải từ 31% trở lên. Vì thế tôi trả hồ sơ không đồng ý tội cố ý gây thương tích, còn vấn đề đủ phần trăm hay không là do cơ quan giám định. Trước đó chúng tôi đã mang hồ sơ lên tỉnh tham khảo ý kiến, 100% thành viên hội đồng thẩm phán cho rằng bị cáo không phạm tội cố ý gây thương tích. Nay VKSND đình chỉ theo Điều 25 BLHS, chúng tôi không có quyền can thiệp. Tuy nhiên, VKSND đình chỉ như vậy là sai, việc miễn trách nhiệm hình sự như thế có vẻ như là ban ơn cho anh Hào, tức là anh Hào vẫn có hành vi phạm tội. Đáng lẽ phải đình chỉ theo hướng không phạm tội”.

Về phía VKSND huyện Buôn Đôn, Viện trưởng Hoàng Ngọc Long nói: “Khi chưa có chỉ đạo nào của VKSND tỉnh, chúng tôi không thể phát ngôn bất cứ điều gì”. Ngoài ra, ông Long còn nói vụ án này VKSND huyện đã từng xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

Tuy nhiên, khi PV liên hệ với VKSND tỉnh Đắk Lắk thì ông Đinh Quang Cử, Chánh văn phòng, lại nói: “Vụ này của huyện Buôn Đôn, chị cứ xuống đó hỏi”. Khi PV nói VKSND huyện không thể trả lời nếu tỉnh không chỉ đạo, ông Cử cho biết: “Đó là quy chế của ngành tôi. Viện phó tỉnh là ông Lê Quang Tiến mới là người phát ngôn nhưng hiện giờ Viện phó Tiến đi công tác. Còn viện trưởng đi họp Quốc hội chưa về”.

Có dấu hiệu né bồi thường

Nội dung trong hai cáo trạng đều cho thấy anh Hào đang thi hành công vụ và như vậy hành vi của anh Hào có dấu hiệu của tội gây thương tích trong khi thi hành công vụ theo Điều 107 BLHS. Thế nhưng cáo trạng lại truy tố anh Hào về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS - tức là kết luận một đằng, truy tố một nẻo.

Tội gây thương tích trong khi thi hành công vụ theo Điều 107 BLHS phải có yếu tố là gây thương tích với tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên. Còn trong vụ án này thì tỉ lệ thương tật của anh Y Kút Ayun là 15%. Xem ra không đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Hào về tội gây thương tích trong khi thi hành công vụ.

Theo tôi, lý do đình chỉ vụ án của VKSND huyện Buôn Đôn không đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này phải đình chỉ vụ án với lý do “hành vi không cấu thành tội phạm” theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS mới đúng. Bởi lẽ việc anh Hào thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 BLHS. Còn việc sức khỏe của người bị hại Y Kút Ayun đã bình phục cũng không phải là căn cứ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần lưu ý thêm: Vì cáo trạng truy tố anh Hào theo khoản 2 Điều 104 BLHS với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm. Đây là loại tội phạm nghiêm trọng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Và không có chuyển biến tình hình nào để cho thấy hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Làm ảnh hưởng đến tâm lý của kiểm lâm

Hôm đó tôi là người trực tiếp tới hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu. Các đối tượng lấy gỗ đã hất gỗ xuống đường, trong khi đó anh em kiểm lâm đang chạy phía sau là rất nguy hiểm. Họ đã bỏ về, thoát khỏi thì thôi đằng này họ lại quay trở lại đòi gỗ. Kiểm lâm lúc đó chỉ có bốn người mà người dân lại đông, tôi nghĩ rất khó để anh Hào có thể xử lý khéo léo hơn. Nếu anh Hào không bắn súng thì chỉ có cách buông để cho những người đó lấy gỗ đem về. Song làm như thế là không hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi anh Hào bị bắt, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ. Nhiều đối tượng vận chuyển gỗ trái phép đã tỏ ra hung hăng, cởi áo thách thức: “Mày bắn đi, mày còn nhớ vụ thằng Hào không?”. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của kiểm lâm trong việc bảo vệ rừng.

Ông NGUYỄN HỮU TẠO, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm