Dịch COVID-19 có phải là sự kiện bất khả kháng?

Ngày 11-11, Khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Tác động của COVID-19 đến các quan hệ pháp luật dân sự Việt Nam".

 PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự, chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

ThS Nguyễn Nhật Thanh (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng sự kiện pháp lý được xem là sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng ba điều kiện: Xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Khi xét đến yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến việc thực hiện hợp đồng, chúng ta không xem xét đến ảnh hưởng của dịch bệnh đến chủ thể thực hiện hợp đồng. Lúc này chúng ta xem xét sự tác động từ các hành vi, quyết định, văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của các bên.

Những hành vi, quyết định, văn bản của Cơ quan Nhà nước liên quan đến các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 là các sự kiện diễn ra nằm ngoài ý chí của các bên nên đáp ứng tính khách quan của sự kiện bất khả kháng.

NCS.ThS Nguyễn Nhật Thanh (Đại học Luật TP.HCM) trình bày. Ảnh: YC

Theo ThS Thanh, để xét về yếu tố "lường trước" của dịch COVID-19 đối với việc thực hiện hợp đồng cần xác định về thời điểm xác lập hợp đồng các bên đã biết hoặc phải biết về quyết định công bố dịch và các biện pháp pháp lý có thể được áp dụng để hạn chế sự lây lan và phát triển dịch dịch bệnh.

Nếu hợp đồng được xác lập trong khoảng thời gian công bố dịch bệnh thì việc ảnh hưởng của dịch bệnh đến việc thực hiện hợp đồng không được coi là sự kiện bất khả kháng. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc Cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp pháp lý để hạn chế sự lây lan và phát triển dịch bệnh mạnh hơn mà các bên không lường trước được khi xác lập hợp đồng.

Về yếu tố không thể khắc phục, khi các văn bản pháp luật, quyết định hành chính được ban hành nhằm ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 làm cho một bên hoặc các bên không thể thực hiện được hợp đồng thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm đối với sự vi phạm của mình.

Vì vậy, ThS Thanh cho rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến việc thực hiện hợp đồng của các bên chỉ được xem là sự kiện bất khả kháng khi việc ảnh hưởng này thông qua các văn bản pháp luật, văn bản hành chính làm cho một bên hoặc các bên không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình trong hợp đồng và không thể khắc phục được. 

Quanh cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Sự kiện bất khả kháng hay hoàn cảnh thay đổi?

Ông Nguyễn Công Phú (Nguyên Phó chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM) cho rằng một trong các quan hệ dân sự chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 là quan hệ hợp đồng cho thuê nhà (hợp đồng thuê mặt bằng).

Để phân biệt dịch COVID-19 là một sự kiện bất khả kháng hay là sự kiện "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" thì cần phải xác định nghĩa vụ cụ thể của bên thuê nhà trong hợp đồng. Trong hợp đồng thuê nhà, có 2 nghĩa vụ là trả tiền thuê nhà và sử dụng nhà đúng mục đích thuê có thể bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Phân tích sâu hơn, ông Phú cho rằng đối với nghĩa vụ trả tiền thuê nhà, dù cho Nhà nước có cấm hay hạn chế kinh doanh ngành nghề hay công việc thỏa thuận trong hợp đồng. Việc kinh doanh có hiệu quả hay không thì đó cũng không phải là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm cho bên thuê nhà. Ngoại trừ trường hợp bên thuê nhà chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất tử việc khai thác mặt bằng thuê này...

Đối với nghĩa vụ sử dụng nhà đúng mục đích thuê, nếu nhà nước cấm kinh doanh ngành nghề hay công việc cụ thể để hạn chế dịch bệnh thì đó mới chính là sự kiện bất khả kháng…

Nếu do do ảnh hưởng của sự kiện khách quan làm một bên không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thì đó là dấu hiệu của sự kiện bất khả kháng. Ngược lại nếu hợp đồng vẫn có khả năng thực hiện nhưng việc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, không công bằng cho một bên thì dấu hiệu phù hợp với hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

COVID-19 là trở ngại khách quan?

Bàn về tác động của COVID-19 đến thời hạn chuẩn bị xét xử, ThS. Huỳnh Quang Thuận (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng Điều 156 BLDS năm 2015 có quy định trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Trong Nghị quyết 05/2012 trước đây, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có hướng dẫn trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu… làm cho toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát có thể được coi là một trở ngại khách quan và là căn cứ tòa án có thể dựa vào để gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm