Dịch bệnh Corona và chiến dịch chống tin giả

Hậu quả khó lường sau những chuyện “giật gân”

Thông tin trên mạng xã hội có phạm vi tiếp cận rộng, tốc độ lan truyền nhanh chóng. Ngoài những mặt tích cực, tiện dụng mà ai cũng thấy, mạng xã hội còn là nơi lan truyền thông tin giả mạo, có chủ đích gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, uy tín của các cá nhân, tổ chức.

Đôi khi chỉ đơn giản vì muốn câu like, muốn được nổi tiếng, nhiều người sẵn sàng bịa đặt ra các câu chuyện giật gân, không có thật và đăng tải trên các trang mạng xã hội. Những tin đồn thất thiệt mới đây liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra lại có sức lan tỏa cộng đồng mạng một cách khủng khiếp.

Thông thường đây là những thông tin bịa đặt, chưa được các cơ quan chức năng xác nhận hoặc đã bị cắt xén có chủ đích, không đúng bản chất sự thật ban đầu.

Một thanh niên ở Đà Nẵng tự sửa kết quả mình bị nhiễm virus Corona rồi đăng lên mạng gây hoang mang dư luận, bị xử phạt 12,5 triệu đồng. Ảnh: H.HIẾU

Do đó, một khi những thông tin này bị phát tán trong môi trường công nghệ cao như hiện nay thì thiệt hại của chủ thể mà những thông tin trên hướng tới sẽ ngay lập tức phát sinh.

Chiến dịch chống tin giả về nCoV

Dịch bệnh Corona gây ra đang diễn biến phức tạp, khó lường và đặt ra không ít thách thức với rất nhiều quốc gia. Cạnh đó làn sóng tin thất thiệt, tin giả mạo liên quan đến vấn đề này cũng bùng phát, hoành hành trên mạng xã hội, gây nhiều bất ổn trong đời sống.

Hiện WHO đã lập tức mở chiến dịch chống tin giả về nCoV. Cụ thể, WHO phối hợp với các mạng xã hội lớn để đối phó với nạn tin giả liên quan tình trạng dịch bệnh.

Công an TP Thanh Hóa lập biên bản xử lý một phụ nữ tung tin sai sự thật về dịch Corona. Ảnh: PLO

 

Tại Việt Nam, khi phát hiện bệnh nhân nhiễm virus Corona, nhiều thông tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh này đã được phát tán trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo lắng. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nặng vì lan truyền tin giả.

Xử phạt nghiêm các đối tượng tung tin giả

Việc đăng tải thông tin sai sự thật dù trên môi trường mạng máy tính thì vẫn có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật và phải được xử lý nghiêm. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Cụ thể, theo Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống bị quy định mức phạt tiền 10-20 triệu đồng (đối với cá nhân là 5-10 triệu đồng).

Nghị định này quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Ngoài ra, theo BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi đưa thông tin lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

BLHS tăng cường, mở rộng áp dụng chế tài phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng viễn thông thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt đến ba năm tù) hoặc nghiêm trọng (trên ba năm đến bảy năm tù) với mức phạt tiền 20 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tùy tính chất của mỗi hành vi, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm đối với các tội danh khác nhau. Vì vậy, cần có một chế tài đủ mạnh để đảm bảo một môi trường thông tin lành mạnh và sẽ là hành lang pháp lý cho việc phát ngôn, đảm bảo cho việc nhiều người có trách nhiệm hơn đối với lời nói, bài viết của mình.

Cách người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình

Đối với các cá nhân, doanh nghiệp khi phát hiện có sự cố thông tin xảy ra gây hại trực tiếp cho cá nhân, tổ chức mình thì nên liên hệ trực tiếp với các công ty an ninh mạng có uy tín để xử lý ngay các sự cố đó.

Cạnh đó, các cá nhân, doanh nghiệp cần gửi ngay văn bản yêu cầu chủ sở hữu trang mạng đó phải tiến hành các biện pháp cần thiết để loại bỏ và ngăn chặn các thông tin gây ảnh hưởng xấu.

Nếu người dân, doanh nghiệp biết áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình thì tình trạng phát tán thông tin sai sự thật này sẽ ngày càng hạn chế hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm