Di chúc vẫn có hiệu lực dù người lập di chúc đã hủy?

Theo hồ sơ, cha mẹ của ông T., bà Đ. có tổng cộng bốn người con và có tài sản chung là một căn nhà trên một mảnh đất. Năm 1993, người mẹ mất không để lại di chúc. Tháng 3-2005, người cha lập di chúc để lại một nửa nhà đất cùng 1/5 diện tích nửa nhà đất còn lại (của người vợ đã mất) cho bà Đ. Đến tháng 12-2005, người cha làm một tờ hủy di chúc, nội dung thể hiện việc lập di chúc trên không phù hợp pháp luật vì ông chỉ có quyền với phần tài sản của ông, phần tài sản của vợ ông phải chia đều theo pháp luật… Sau đó, người cha không lập di chúc nào khác.

Năm 2009, người cha mất. Năm 2014, ông T. khởi kiện bà Đ. và yêu cầu tòa chia tài sản thừa kế cho bốn anh em. Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2015, TAND quận Ninh Kiều cho rằng di chúc của người cha về hình thức, nội dung, trình tự đều đúng quy định: Di chúc được lập bằng văn bản có chứng thực của UBND phường. Khi lập di chúc, người cha có cung cấp giấy khám sức khỏe thể hiện ông còn minh mẫn; có người làm chứng, ký tên trước mặt người có thẩm quyền chứng thực; có vào sổ chứng thực và ghi ngày, tháng, năm chứng thực cụ thể.

Nội dung di chúc thể hiện ý chí của người cha là để lại một nửa tài sản chung của vợ chồng cho bà Đ. là phù hợp pháp luật nên di chúc phát sinh hiệu lực đối với phần này. Đối với nội dung người cha thể hiện ý chí để lại phần thừa kế mà ông được hưởng từ vợ không phát sinh hiệu lực vì chưa phù hợp pháp luật (tính đến lúc lập di chúc, người vợ đã mất được 12 năm nên thời hiệu để chia thừa kế phần này đã hết).

Cạnh đó, tờ hủy di chúc của người cha có chứng thực của UBND phường nhưng tại thời điểm chứng thực chưa có cơ sở chứng minh người cha có đủ minh mẫn hay không. Việc chứng thực của UBND phường không ghi ngày, tháng, năm chứng thực và không vào sổ chứng thực là chưa đúng quy định. Lý do hủy di chúc nêu ra không mâu thuẫn với nội dung di chúc bởi vẫn thể hiện người cha cho bà Đ. một nửa tài sản chung của vợ chồng, còn phần di sản của người mẹ thì chia theo pháp luật. Do đó, tiêu đề dù là “hủy di chúc” nhưng nội dung vẫn giống tờ di chúc đã lập nên di chúc vẫn có hiệu lực một phần như trên.

Từ các phân tích này, TAND quận Ninh Kiều kết luận di chúc đã phát sinh thừa kế một phần, không có cơ sở để chia toàn bộ tài sản như yêu cầu của ông T. Tòa công nhận bà Đ. được hưởng một nửa nhà đất người cha để lại. Với một nửa nhà đất còn lại thuộc phần của người mẹ, tòa chia theo diện tài sản chung cho bốn người con (mỗi kỷ phần được hưởng là hơn 57 triệu đồng với giá đất theo định giá là 5 triệu đồng/m2). Sau đó, ông T. và bà Đ. đều kháng cáo.

Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ cũng nhận định như cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm tính giá đất là 13 triệu đồng/m2 (giá trung bình theo giá hai bên nguyên, bị đơn đưa ra), tức mỗi kỷ phần mà bốn người con được hưởng tăng lên gần 150 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm