Đêm không ngủ của vợ chồng ông Nén

6 giờ sáng 3-12, cha con ông Nén đã đến nhà ông Nguyễn Thận từ rất sớm. Ôm vai, cúi sát đầu vào cha mình, ông Nén nói: “Ngày ba vác đơn cùng thầy Thận đi kêu oan cho con, ba 75 tuổi, giờ 91 tuổi ba mới có được niềm vui”. Nhìn mái tóc hai cha con ông Nén đều bạc như nhau mới thấy sức mạnh của tình cha con và sự kiên trì không mệt mỏi của cụ Huỳnh Văn Truyện khi lặn lội thân già kêu oan cho con.

Sau buổi xin lỗi công khai ở trụ sở UBND thị trấn về, ông Nén cười rất tươi và thật thà hỏi: “Cái phát biểu của tui có dài quá không. Lần đầu tiên đứng phát biểu trước cả trăm người và quá trời máy quay phim, chụp ảnh, nếu không có thầy Thận và bà xã đứng hai bên kèm chắc tui không nói nổi quá”.

Đêm không ngủ của vợ chồng ông Nén ảnh 1

Ông Huỳnh Văn Nén mang hoa về tặng vợ. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Ngồi thu mình trong một góc dù ngày vui nhưng trong đôi mắt ông Huỳnh Văn Truyện vẫn ngân ngấn nước. Ông già nói: “Tui muốn khóc mà không còn nước mắt để chảy nữa, bởi mười mấy năm nay đã khóc cho thân phận thằng Nén hết rồi. Ước gì trong giờ phút này bả còn sống để thấy những lời trăng trối kêu oan cho con nay đã được rồi”. Ông Truyện tâm sự, ông đã từng cậy cục hàng xóm ở Thới Bình (Cà Mau) bán đất lấy tiền để làm lộ phí kêu oan cho con. “Bây giờ tui mà có đi theo bả thì cũng đã mãn nguyện lắm rồi!” - ông già nói như độc thoại.

Ngày trước khi chưa bị bắt giam, Nén là một tay ăn nhậu có tửu lượng và “lầy lội” dữ dằn. Gần 18 năm trong tù, Nén đã bỏ được rượu và kỷ luật, sinh hoạt trong trại giam biến Nén trở thành một người cực kỳ lễ phép. Nói chuyện với ai dù nhỏ tuổi hơn, Nén vẫn khoanh tay dạ thưa. Có lúc còn gọi nhầm người đối diện là cán bộ, như một phản xạ sau bao năm gọi quản giáo trong trại giam.

Tối 2-12, khi ăn cơm với chúng tôi tại một quán cơm ở Sài Gòn vừa xong, ông Nén rời khỏi phòng ra ngoài hút thuốc. Vừa mồi xong điếu thuốc, bỗng có một người mặc sắc phục bảo vệ tới vỗ vai hỏi: “Anh có phải là Huỳnh Văn Nén?”. Ở giữa nơi xa lạ, Nén phát hoảng vì có người biết cả tên họ của mình nên lật đật dụi điếu thuốc vừa mồi xuống đất. Khi tôi ra, Nén nắm tay tôi run run kể lại và hỏi sắc phục với đầy đủ cầu vai, dây nhợ vàng khè mà người bảo vệ mặc là cơ quan nào. Thế mới biết gần 18 năm cách ly với xã hội, tách biệt với bên ngoài đã ảnh hưởng đến “người tù thế kỷ” này như thế nào.

Ông Nén tâm sự nếu được bồi thường, việc trước tiên ông sẽ mua một chiếc xe hơi. Ông Nén có ba con trai, trong đó có hai đứa đã có bằng lái xe nhưng chỉ đi lái mướn. Mơ ước của ông là nếu có khoản bồi thường kha khá ông sẽ mua xe cho các con thay nhau chạy dịch vụ kiếm tiền, bù lại khoảng thời gian tuổi thơ vắng hơi cha mà ba đứa con trai đã mất mát.

Tối 2-12, ông Nén đi công việc ở xa về tận khuya nhưng bà Cẩm vẫn mở cửa thắp sáng điện chờ chồng. Cầm hai bó hoa của một số người quen gửi về tặng vợ, ông Nén ôm trong mình, miệng cười tủm tỉm và cho biết đây là lần đầu ông tặng hoa cho vợ nên hồi hộp ghê lắm. Nhìn hai vợ chồng ôm hoa cười ngặt nghẽo, bà Cẩm còn nhéo yêu chồng vì “bày đặt”, thấy vui làm sao. Trong căn nhà gạch đỏ chót chưa tô, bà Cẩm cho chồng biết mình sẽ mặc chiếc áo khoác màu đỏ ra dự buổi xin lỗi chồng để muốn đem lại may mắn, đừng để oan khiên nào nữa ập đến. Bởi hơn 17 năm chờ chồng đã là một kỳ tích lắm rồi.

Đêm trước ngày được xin lỗi cả hai vợ chồng đều không ngủ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm