Để nước vào ruộng lúa nhiều, phải trả tiền cọc

Trong đơn khởi kiện gửi TAND huyện Thới Lai, ông T. trình bày: Ngày 21-12-2014 (âm lịch), ông đặt cọc cho bà L. 4 triệu đồng để mua lúa trên 20 công ruộng của bà L. vào các ngày 27, 28-12-2014 (âm lịch) với giá 4.070 đồng/kg. Bà L. phải giữ ruộng khô đến ngày thu hoạch lúa, ai sai thỏa thuận phải bồi thường gấp đôi. Các nội dung trên hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng.

Đến ngày 27-12-2014 (âm lịch), ông T. đến thu mua lúa của bà L. nhưng máy cắt chỉ cắt được khoảng 500 kg lúa thì không cắt được nữa do ruộng của bà L. để nước vào. Sau đó, hai bên thỏa thuận lại là đến ngày 5-1-2015 (âm lịch), ông T. đến mua lúa của bà L. Tuy nhiên, đến ngày 5-1, khi ông đến, bà L. đã bán lúa cho người khác với giá 4.200 đồng/kg. Ông đồng ý mua với giá trên thì bà L. không chịu bán cho ông nữa. Ông yêu cầu trả lại tiền cọc, bà L. cũng không chịu.

Do đó, ông T. khởi kiện yêu cầu TAND huyện Thới Lai buộc bà L. trả lại cho ông 4 triệu đồng và phạt cọc 4 triệu đồng. Sau khi tòa hòa giải, ông T. chỉ yêu cầu bà L. phải trả lại 4 triệu đồng tiền đặt cọc.

Bà L. thừa nhận hai bên có thỏa thuận miệng như ông T. trình bày. Do ông T. nói lúa ướt, chỉ đồng ý mua với giá 3.900 đồng/kg nên bà mới bán cho người khác. Bà thừa nhận có sơ sót để nước tràn vào ruộng ngoài ý muốn nhưng chỉ chấp nhận trả lại cho ông T. 2 triệu đồng.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2015, TAND huyện Thới Lai nhận định giữa hai bên có thỏa thuận và đặt tiền cọc nhưng là thỏa thuận bằng miệng nên vi phạm quy định về hình thức của hợp đồng đặt cọc. Hợp đồng đặt cọc giữa ông T. và bà L. là vô hiệu nên hai bên phải trả cho nhau những gì đã nhận. Bà L. đã nhận 4 triệu đồng tiền cọc của ông T., còn ông T. chưa nhận lúa của bà L. nên bà L. có nghĩa vụ trả lại cho ông T. 4 triệu đồng.

Bà L. kháng cáo, yêu cầu chỉ trả 2 triệu đồng. Theo TAND TP Cần Thơ, lỗi chính thuộc về bà L. vì bà đã cam kết giữ ruộng khô đến ngày thu hoạch nhưng lại để nước vào ruộng nên đến ngày thu mua lúa theo thỏa thuận, máy gặt không thu hoạch được. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông T. là phù hợp. Hơn nữa, bà L. không bị thiệt hại gì mà còn bán lúa với giá cao hơn, còn ông T. đã đặt cọc nhưng không mua được lúa. Bà L. nói nước vào ruộng là ngoài ý muốn nhưng bà không có căn cứ chứng minh điều này. Tại phiên tòa, bà L. không chứng minh được bà không có lỗi và ông T. vẫn mua được lúa nên đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm