Đề nghị truy tố 2 cựu hiệu phó Trường Chính trị Phú Yên

Ngày 18-4, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã có kết luận điều tra, đề nghị VKSND tỉnh này truy tố bốn bị can đều là cựu cán bộ Trường Chính trị Phú Yên. Trong đó, hai bị can bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản gồm Vũ Thị Kim Hoa - kế toán; Trịnh Thị Hoa -thủ quỹ.

Ba người bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm hai cựu hiệu phó: Lê Văn Sự, Nguyễn Thị Tuyết Nga và kế toán Vũ Thị Kim Hoa.

Vụ án trên từng được TAND tỉnh Phú Yên quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm, dự kiến từ ngày 22-8-2017. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử dài 66 trang khổ A4, TAND tỉnh triệu tập đến 1.323 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây được xem là phiên tòa có số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều kỷ lục ở Phú Yên từ trước đến nay.

Hầu hết những người này là cán bộ các sở, ngành, địa phương ở Phú Yên tham gia học các lớp lý luận chính trị, hành chính tại Trường Chính trị tỉnh. Tuy nhiên, gần đến ngày mở phiên tòa, TAND tỉnh đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đề nghị truy tố 2 cựu hiệu phó Trường Chính trị Phú Yên

Trường Chính trị Phú Yên - nơi xảy ra vụ án tham ô đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: TẤN LỘC

Theo kết quả điều tra, từ tháng 12-2009 đến tháng 6-2015, kế toán Vũ Thị Kim Hoa và thủ quỹ Trịnh Thị Hoa đã cùng nhau lập khống 116 bộ chứng từ thanh toán tiền ăn do Nhà nước chi cho học viên 19 lớp trung cấp lý luận chính trị- hành chính học tại Trường Chính trị Phú Yên.

Từ đó Kim Hoa và Thị Hoa chiếm đoạt gần 3,2 tỉ đồng. Trong đó, hai người chia nhau hơn 2,5 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định kế toán Hoa trực tiếp lập khống danh sách học viên nhận tiền ăn, danh sách học viên vắng học rồi đưa cho thủ quỹ Hoa giả chữ ký của học viên nhận tiền, giả chữ ký xác nhận của giáo viên chủ nhiệm, trình lãnh đạo ký duyệt để rút tiền chênh lệch chia nhau.

Riêng thủ quỹ Hoa còn tự chiếm đoạt hơn 578 triệu đồng trong quỹ của trường. Tài liệu còn cho thấy sau khi chiếm đoạt, Trịnh Thị Hoa dùng tiền hàng mã loại 500.000 đồng xếp thành xấp rồi dùng tiền thật mệnh giá 500.000 đồng bọc bên ngoài để đối phó khi kiểm tra. Khi thủ quỹ Hoa bị phát hiện, kế toán Hoa còn tiếp tục tự lập khống ba bộ chứng từ thanh toán để chiếm đoạt riêng hàng chục triệu đồng.

Trong quá trình điều tra vụ tham ô tài sản trên, cơ quan điều tra đã phát hiện, làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý tài chính, gây hậu quả thiệt hại tài sản của Nhà nước của nhiều cán bộ lãnh đạo Trường Chính trị Phú Yên. Theo đó, từ tháng 9-2009 đến tháng 12-2012, hiệu phó Lê Văn Sự đã ký duyệt 66 bộ chứng từ thanh toán chế độ tiền ăn cho học viên. Còn hiệu phó Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng ký duyệt 46 bộ chứng từ thanh toán tiền ăn cho học viên, tính từ tháng 1-2013 đến tháng 6-2015. Cơ quan điều tra xác định hai hiệu phó này đã thiếu kiểm tra, đối chiếu giữa chứng từ thanh toán so với lịch học của học viên nên không phát hiện kế toán, thủ quỹ lập khống chứng từ nâng số ngày học của học viên cao hơn thực tế để chiếm đoạt tiền nhà nước.

Cơ quan điều tra nhận định đây là vụ án tham ô tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Có đến ba “đời” hiệu trưởng Trường Chính trị Phú Yên có trách nhiệm trong việc để xảy ra các sai phạm trên. Đó là ông Trương Ngọc Phụng, làm hiệu trưởng từ năm 1997 đến tháng 7-2011; ông Nguyễn Khoa Nghi, quyền hiệu trưởng từ tháng 8 đến tháng 10-2011; bà Lê Thị Bích Hạnh, làm hiệu phó phụ trách từ tháng 11-2011 và làm hiệu trưởng từ tháng 12-2012.

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý, các ông Phụng, Nghi, bà Hạnh đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát về quản lý tài chính, để xảy ra hậu quả trên. Riêng bà Lê Thị Bích Hạnh còn làm hồ sơ để bà hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo không đúng quy định với số tiền gần 66 triệu đồng.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ kiến nghị xử lý hành chính đối với những cựu lãnh đạo này. Cũng theo cơ quan điều tra, đến nay các bị can, nhiều cán bộ Trường Chính trị Phú Yên liên quan vụ án này đã nộp lại hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, riêng bà Nguyễn Thị Tuyết Nga nộp gần 220 triệu đồng, bà Hạnh nộp gần 230 triệu đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm