Đề nghị giám đốc thẩm vụ khởi tố 14 năm mới xét xử

Ngày 18-1, ông Quản Đắc Quý (37 tuổi, trú xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội), một trong hai người bị kết án trong vụ 'khởi tố xong 14 năm sau mới xét xử', cho biết đã nộp đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đến TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Hiện tại, đơn đề nghị đã được hai cơ quan nói trên tiếp nhận.

Đề nghị giám đốc thẩm vụ khởi tố 14 năm mới xét xử ảnh 1
Đơn đề nghị của hai anh em ông Quản Đắc Quý đã được TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận. Ảnh: TUYẾN PHAN

Chia sẻ với PV, ông Quý cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn đến tất cả các cơ quan có thể liên hệ. Thời gian tới, dù cả hai anh em đều phải thi hành án, nhưng người thân trong gia đình sẽ tiếp tục đi kêu oan.
“Lo lắng nhất của tôi là sau khi ngồi tù, cha mẹ già yếu, vợ lại không am hiểu pháp luật nên việc đi kêu oan sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng dù khó mấy thì vẫn sẽ làm, thậm chí sau này ra tù rồi, nếu chưa được thì chúng tôi vẫn tiếp tục” – ông Quý nói.
Trước đó, vụ án hi hữu của ông Quý cùng anh trai là Quảng Đắc Thúy (39 tuổi) đã được Pháp luật TP.HCM cùng nhiều cơ quan báo chí phản ánh qua nhiều bài báo.
Điểm đặc biệt của vụ án là sự việc xảy ra vào năm 2003 nhưng mãi đến năm 2015, TAND huyện Hoài Đức mới mở phiên xử sơ thẩm. Trong suốt quá trình tiến hành tố tụng, có tới sáu bản cáo trạng, 11 bản kết luận điều tra, kết luận điều tra bổ sung được CQĐT cùng VKS các cấp ban hành.

Đề nghị giám đốc thẩm vụ khởi tố 14 năm mới xét xử ảnh 2
Hai bị cáo Quản Đắc Quý (trái) và Quản Đắc Thúy tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TUYẾN PHAN

Ngày 19-12-2017, tại phiên phúc thẩm của TAND TP Hà Nội, trong suốt hai ngày xét hỏi và tranh luận, cả hai bị cáo liên tục khẳng định mình bị oan, thời điểm xảy ra vụ việc không có mặt tại hiện trường nên không thể gây thương tích cho bị hại.
Được triệu tập tới tòa, nhiều nhân chứng cũng cho biết họ nhìn thấy bị hại tự ngã xuống mương nước chứ không phải bị chém và khẳng định không nhìn thấy các bị cáo có mặt tại hiện trường.
Bào chữa cho thân chủ, các luật sư đồng loạt cho rằng hai anh em Quý và Thúy không phạm tội.
Theo đó, sự việc xảy ra vào ngày 19-7-2003 nhưng phải đến nhiều tháng sau Công an xã Vân Côn mới báo cáo lên Công an huyện Hoài Đức. Việc trưng cầu giám định của công an huyện diễn ra trước cả thời điểm công an xã chuyển hồ sơ, điều này là không hợp lý.
Các cơ quan chức năng cũng không thu giữ được bất cứ hung khí gây án nào, nói rằng các bị cáo dùng dao chém và tuýp sắt vụt nhưng không hề biết là dao gì, tuýp như thế nào. Hơn thế, hơn một năm sau xảy ra sự việc, cơ quan công an mới tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều này liệu có đảm bảo khách quan và chính xác?
Một điểm quan trọng khác là lời khai của các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn. Từ những điều này, luật sư nhận định không đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích, đề nghị tòa tuyên thân chủ của mình không phạm tội và đình chỉ vụ án.
“Đây có lẽ là một vụ án duy nhất trong lịch sử về số lần cáo trạng và kết luận điều tra. Các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vụ án đã bị “treo lơ lửng” suốt 14 năm kể từ khi hai bị cáo còn là sinh viên đại học khiến tương lai dang dở, không có công ăn việc làm…” - luật sư Lương Quang Tuấn - một trong bảy luật sư bào chữa miễn phí cho hai bị cáo nói.
Kết thúc phiên xử, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên Quản Đắc Quý năm năm sáu tháng tù, Quản Đắc Thúy năm năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm