Đe dọa chủ tịch tỉnh Bắc Ninh: Khó xử hình sự!

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố một bị can có hành vi nhắn tin đe dọa chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về tội khủng bố theo khoản 3 Điều 230a BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Công an xác định bị can là người trực tiếp nhắn tin vào điện thoại của ông chủ tịch tỉnh cùng một số cán bộ khác với nội dung khá giống nhau như: “Để yên cho người khác làm ăn”; “Biết điều thì để yên có người khác làm ăn”… Bước đầu hai bị can khai nhận động cơ của việc nhắn tin đe dọa là để gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cát trên địa bàn và tranh giành bến bãi. Với các tình tiết ban đầu của vụ việc trên, liệu khởi tố bị can tội khủng bố có chính xác? Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Không gây hoảng sợ cho công chúng

Tội khủng bố theo Điều 230a BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 được quy định trong chương về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Theo đó, người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù… Trong các hành vi cấu thành tội này có hành vi nhắn tin đe dọa (như đe dọa phá hủy, cho nổ mìn…) hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần với động cơ mục đích là gây nên tình trạng hoảng sợ trong công chúng.

Thông tư liên tịch 06/2012 ngày 5-5-2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VKSND Tối cao, TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về tội khủng bố. Theo đó, để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 230a có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người… mà người dân có thể đến với nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ: Hành vi gây nổ ở một khu vực ga xe lửa làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông công cộng…

Đối chiếu với hành vi của người nhắn tin cho ông chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, tôi cho rằng về mặt chủ quan thì hành vi này là cố ý nhưng thực ra không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà chỉ cho một vài cá nhân. Như vậy, hành vi nhắn tin đe dọa ấy không cấu thành tội khủng bố.

Tàu hút cát di chuyển trên sông Cầu, địa phận huyện Quế Võ, một trong những nơi bị sạt lở lớn nhất tỉnh Bắc Ninh do hoạt động hút cát. Ảnh: TUYẾN PHAN

Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao:

Hành vi rõ nhưng động cơ chưa rõ

Để cấu thành tội khủng bố theo khoản 3 Điều 230 a BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người phạm tội phải có hành vi đe dọa thực hiện một trong các hành vi nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần.

Đối chiếu với quy định trên thì người nhắn tin cho ông chủ tịch tỉnh Bắc Ninh sẽ phải gánh chế tài hình sự đối với tội khủng bố chỉ khi có hành vi thỏa mãn hai dấu hiệu là đe dọa thực hiện hành vi… mà nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Hành vi đe dọa có thể là đe dọa xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần…

Căn cứ vào hành vi nhắn tin và nội dung tin nhắn thì thấy hành vi nhắn tin của người này có thể được xem là thuộc dạng hành vi uy hiếp tinh thần, tuy nhiên hành vi này có nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng hay không lại là chuyện khác.

Nội dung vụ việc cho thấy người này chỉ nhắn cho ông chủ tịch và vài cá nhân, tức là chỉ uy hiếp chủ tịch và vài cá nhân này chứ không nhắn cho tùm lum người, đe dọa cho đám đông, công chúng. Như vậy, yếu tố nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng chưa rõ. Bởi lẽ người nhắn tin đâu có đe dọa gì tới công chúng, công chúng cũng đâu biết thì lấy gì mà sợ. Ông chủ tịch cầu cứu cả Thủ tướng là do ông ấy, rồi báo chí đăng tin lan tỏa này nọ nữa, người bị khởi tố không chịu trách nhiệm về hành vi lan tỏa này.

Tôi cho rằng chỉ với hành vi này thì chưa thỏa mãn hai dấu hiệu bắt buộc của tội khủng bố như đã phân tích.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:         

Không thể truy cứu bị can tội khủng bố!

Theo khoản 3 Điều 230a BLHS và thông tư liên ngành, với tội khủng bố thì điều đầu tiên phải lưu ý là mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội, đó là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.

Trong vụ việc ở Bắc Ninh, như lời khai ban đầu của bị can thì bị can không muốn làm công chúng hoảng sợ mà chỉ muốn tranh giành bến bãi, có ý muốn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cát trên địa bàn… Thực tế cũng cho thấy các tin nhắn đe dọa chỉ làm cho chủ tịch tỉnh và một số cán bộ lo lắng, còn người dân thì không. Do vậy, không thể truy cứu bị can về tội khủng bố.

Tôi đồng tình là phải xử lý nghiêm người vi phạm nhưng hành vi sai đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu việc nhắn tin đe dọa chủ tịch tỉnh không đủ dấu hiệu để xử lý tội đe dọa giết người hoặc các tội khác thích hợp thì cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013. Đó là phạt tiền 10-20 triệu đồng về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Quy định về tội khủng bố

1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù từ năm năm đến 15 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

(Điều 230a BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Từng xử vụ khủng bố

Khi còn làm thẩm phán, tôi có xử một người với tội khủng bố. Người này vì lý do cá nhân đã gọi và nhắn tin cho các lãnh đạo bệnh viện, đe dọa cho nổ hoặc đốt bệnh viện. Hành vi này về mặt chủ quan được thực hiện với lỗi cố ý; mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ cho bệnh viện. Mà bệnh viện là nơi công cộng, đông người lui tới. Việc đe dọa này gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng khiến y, bác sĩ, bệnh nhân và người thân của họ lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản…

Nguyên thẩm phán VŨ PHI LONG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm