Đe dọa chủ tịch Bắc Ninh không phải là khủng bố!

Trong vụ chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và các cán bộ chuyên môn của tỉnh này bị đe dọa, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án và khởi tố hai bị can về hai tội khủng bố và không tố giác tội phạm. Trong đó, công an tỉnh xác định người bị khởi tố tội khủng bố chính là người trực tiếp nhắn các tin nhắn có nội dung như “để yên cho người khác làm ăn”, "biết điều thì để yên cho người khác làm ăn”…

Tàu hút cát di chuyển trên sông Cầu tại địa phận huyện Quế Võ, một trong những điểm bị sạt lở lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh do ảnh hưởng của hoạt động hút cát. Ảnh: TUYẾN PHAN

Theo cách hiểu của nhiều người, khủng bố là hoạt động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, hình ảnh… để gây hoang mang, khiếp sợ cho xã hội và cộng đồng nhằm mục đích nào đó, chẳng hạn là chính trị, tôn giáo. Thế nhưng các tình tiết ban đầu của vụ việc trên không có các dấu hiệu này, vậy khởi tố tội khủng bố có chính xác?
Điều 230a Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội khủng bố như sau:
“1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù 10-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù 5-15 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù 2-7 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Viện dẫn điều luật này và Thông tư 06/2012/TTLT/BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội khủng bố, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: “Với tội khủng bố thì điều đầu tiên phải lưu ý là mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội, đó là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng...".
Tình trạng hoảng sợ trong công chúng theo hướng dẫn của Thông tư 06 nói trên là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.
"Trong vụ việc ở Bắc Ninh, như lời khai ban đầu của bị can thì bị can không muốn làm công chúng hoảng sợ mà chỉ muốn “tranh giành bến bãi, có ý muốn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cát trên địa bàn…”. Thực tế cũng cho thấy các tin nhắn đe dọa chỉ làm cho chủ tịch tỉnh và một số cán bộ lo lắng, còn người dân thì không. Do vậy, không thể truy cứu bị can về tội khủng bố” - LS Lê Văn Hoan nhận xét.
Tương tự, luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng trong vụ này không có đủ các dấu hiệu để khởi tố tội khủng bố: “Nếu bị can chỉ nhắn tin đến số máy cá nhân của chủ tịch tỉnh và một số cán bộ trong tỉnh để uy hiếp tinh thần của những người này chứ không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng thì tùy trường hợp cụ thể mà có hình thức xử lý phù hợp. Nếu muốn truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng phải theo tội phạm tương ứng như tội đe dọa giết người…”.
“Tôi đồng tình là phải xử lý nghiêm người vi phạm nhưng hành vi sai đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu việc nhắn tin đe dọa chủ tịch tỉnh không đủ dấu hiệu để xử lý tội đe dọa giết người hoặc các tội khác thích hợp thì cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013. Đó là phạt tiền 10-20 triệu đồng về hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”” - luật sư Hoan nêu ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm