KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP SỞ TƯ PHÁP TP.HCM (27-3-1982 - 27-3-2017)

Đấu giá: Rao 1 bán được gấp đôi

Ngày 18-12-1997, UBND TP.HCM ký quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (gọi tắt là trung tâm) do Sở Tư pháp TP.HCM trực tiếp quản lý. Trung tâm này tiếp nhận các tài sản là động sản, bất động sản để bán đấu giá theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tài sản hoặc do pháp luật quy định.

Hiện nay, trung tâm là đơn vị tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp của Nhà nước trên địa bàn TP.HCM.

Đấu giá công khai, minh bạch

Tại một phiên đấu giá tại trụ sở của trung tâm, tài sản mang đấu giá là nhà, đất ở đường Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3 với giá khởi điểm là hơn 16 tỉ đồng.

Có người trả 20 tỉ đồng, 23 tỉ, 26,5 tỉ, những con số nhích dần nhích dần lên đến 36 tỉ đồng. Đấu giá viên nhắc lại 36 tỉ đồng lần 1, 36 tỉ đồng lần 2 thì có tiếng trả giá 37,1 tỉ. Lần này hội trường bán đấu giá im lặng và đấu giá viên gút 37,1 lần 1 rồi lần 2, 3. Không ai trả tiếp nữa và đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất đã mua được tài sản. Lập tức người trúng đấu giá đến ký tên vào biên bản đấu giá tài sản để hoàn tất việc mua trúng tài sản. Giá trúng này cao hơn giá khởi điểm hơn 20 tỉ đồng.

Tại phiên đấu giá khác, một xe Toyota bảy chỗ có giá khởi điểm hơn 400 triệu đồng. Sau khi bán đấu giá, giá bán chênh lệch so với giá khởi điểm gần 64 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc trung tâm, cho biết: Ngày 12-1, trung tâm bán đấu giá thành công nhà, đất tại quận 11 với giá hơn 17 tỉ đồng (giá khởi điểm hơn 10 tỉ) thu về cho ngân sách nhà nước hơn 7 tỉ đồng. Trước đó, trung tâm bán được nhà, đất ở quận Gò Vấp với giá 70,1 tỉ đồng trong khi giá khởi điểm của tài sản này chỉ có 41,7 tỉ đồng (chênh lệch hơn 28 tỉ đồng). Đây là hai trong nhiều tài sản của Nhà nước được trung tâm bán đấu giá thành công cao hơn nhiều giá khởi điểm, làm lợi cho ngân sách nhà nước. Chưa kể có những tài sản trung tâm gần như bán được gấp đôi giá khởi điểm như nhà, đất ở quận 6, TP.HCM định giá là 3,5 tỉ đồng nhưng bán được hơn 6 tỉ đồng…

Một phiên bán đấu giá tài sản của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. (Ảnh Trung tâm cung cấp)

Niêm yết, minh bạch thông tin

“Ngoài việc đăng báo về thông báo bán đấu giá tài sản, trung tâm còn niêm yết thông tin về bán đấu giá tài sản ngay lối ra vào cơ quan để mọi người dễ nhìn thấy và tìm hiểu công khai, tạo sự công bằng trong việc tham gia đấu giá tài sản. Việc niêm yết thủ tục hành chính, biểu mẫu, quy trình tại trụ sở cơ quan và trên website của trung tâm cũng được trung tâm thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục khi có yêu cầu” - ông Sỹ, Giám đốc trung tâm, cho biết.

Cũng theo ông Sỹ, trung tâm chú trọng việc cập nhật các văn bản mới quy định cụ thể về lĩnh vực bán đấu giá tài sản; quy chế làm việc, quy chế bán đấu giá tài sản, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trung tâm, nội quy cuộc bán đấu giá và các biểu mẫu khác liên quan đến nghiệp vụ bán đấu giá tài sản của trung tâm. Ngoài ra, cán bộ tiếp khách hàng sẵn sàng cung cấp văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khi người dân có yêu cầu.

Thêm chức năng mua sắm tập trung

Ông Sỹ thông tin thêm: Mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho trung tâm có thêm chức năng là đơn vị mua sắm tập trung.

Với chức năng này, trung tâm có nhiệm vụ tập hợp, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm; lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định về đấu thầu. Nếu như trước đây các cơ quan nhà nước mua sắm đơn lẻ nên giá thành cao thì nay tập trung về một mối giá sẽ giảm xuống, tiết kiệm được chi phí cho ngân sách nhà nước khi mua tài sản công.

Các loại tài sản được giao bán đấu giá:

1. Tài sản nhà nước phải bán đấu giá theo quy định pháp luật về quản lý nhà nước;

2. Tài sản đảm bảo theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm;

3. Tài sản để thi hành án theo quy định pháp luật về thi hành án;

4. Tài sản là tang vật, phương tiện do vi phạm hành chính bị tịch hu, sung công quỹ nhà nước theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

5. Tài sản là hàng hóa lưu giữ do người vận chuyển đường biển, đường hàng không, đường bộ lưu giữ tại Việt Nam;

6. Tài sản bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định về thuế.

7. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá tài sản.

(Theo Nghị định 17/2010 của chính phủ)

357 là số cuộc bán đấu giá thành trong năm 2016 của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. Tổng trị giá tài sản bán được là 708.790.490.343 đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 92.527.844.511 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm