Đất không tách thửa được nên hợp đồng đặt cọc vô hiệu

Theo trình bày của nguyên đơn: Ngày 10-3-2013, bà Hồng và ông Cười thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 5 x 32 m (160 m2), tọa lạc tại thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa với giá 240 triệu đồng; giấy đỏ mang tên ông Hồ Đắc Thắng (cha ông Cười). Bà Hồng đặt cọc 50 triệu đồng. Hai bên cam kết nếu ông Cười không bán thì bồi thường gấp đôi số tiền đặt cọc, nếu bà Hồng không mua thì mất tiền đặt cọc.

Sau đó khoảng một tháng, ông Cười nói giấy tờ đã lo xong, ra xã làm thủ tục chuyển nhượng và thanh toán số tiền còn lại. Tuy nhiên, khi xem lại giấy tờ thì được biết giấy đỏ của ông Thắng không thể tách thửa đối với diện tích đất mà ông Cười chuyển nhượng cho bà Hồng. Bà Hồng yêu cầu ông Cười phải làm thủ tục tách thửa nhưng ông Cười không thực hiện được. Do đó, bà yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc, ông Cười trả lại bà 50 triệu đồng.

Ông Cười trình bày ông và bà Hồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận tiền đặt cọc như bà Hồng trình bày. Sau đó, bà Hồng tìm mọi lý do để đòi hủy hợp đồng đặt cọc. Ông không đồng ý và tạo điều kiện về thời gian để bà Hồng hoàn tất thủ tục nhưng bà Hồng không thực hiện là vi phạm nội dung hợp đồng đặt cọc. Ông không đồng ý trả tiền cọc như yêu cầu của bà Hồng.

Ông Thắng là người liên quan không có ý kiến hay tranh chấp gì việc ông Cười chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Hồng.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Phú Hòa đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hồng: Tuyên bố hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng đặt cọc giữa bà Hồng và ông Cười. Tòa buộc ông Cười trả lại cho bà Hồng số tiền đặt cọc 50 triệu đồng. Tòa ghi nhận sự tự nguyện của ông Thắng cho ông Cười quyền sử dụng diện tích đất 160 m2 được UBND huyện Phú Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013.

Ông Cười kháng cáo bản án này.

Tại phiên xử phúc thẩm cuối tháng 3-2016, TAND tỉnh Phú Yên đã nhận định: Các đương sự khẳng định thực chất hai bên đặt cọc chuyển nhượng một phần diện tích đất tại thửa đất được cấp giấy đỏ do ông Thắng đứng tên. Hai bên chưa ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” là không đúng. Quyết định của bản án sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng đặt cọc là có sai sót.

Tại thời điểm chuyển nhượng, ông Thắng chưa làm thủ tục tặng, cho hoặc chuyển quyền sử dụng 160 m2 đất nói trên cho ông Cười nhưng ông Cười lại thỏa thuận chuyển nhượng thửa đất nói trên cho bà Hồng là vi phạm điều cấm của pháp luật. Hơn nữa, ông Cười cho rằng ông Thắng đã cho ông đất nên ông có quyền chuyển nhượng cho bà Hồng. Nhưng theo quy định của UBND tỉnh Phú Yên, thôn Đông Phước là khu vực nông thôn nên diện tích của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn 80 m2. Xét diện tích đất còn lại của ông Thắng sau khi cho ông Cười và ông Cười chuyển nhượng cho bà Hồng chỉ còn 50 m2 là không đủ điều kiện để tách thửa. Vì vậy, lý do bà Hồng đưa ra không thể tách thửa sau khi đặt cọc là có cơ sở.

Tòa cho rằng giao dịch giữa bà Hồng và ông Cười là vô hiệu. Án sơ thẩm tuyên hủy bỏ hợp đồng đặt cọc là đúng pháp luật. Tuy nhiên, án sơ thẩm tuyên ghi nhận sự tự nguyện của ông Thắng cho ông Cười 160 m2 đất như nêu trên là có sai sót, vi phạm Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự nên cần sửa bỏ phần này.

Từ đó, TAND tỉnh Phú Yên sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Cười. Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hồng và tuyên bố hủy hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hồng và ông Cười vì vô hiệu. Ông Cười phải hoàn trả cho bà Hồng số tiền cọc 50 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm