Đánh 3 chị em nhưng không bị khởi tố

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Thu Em, chị bà vay bà Nguyễn Huỳnh Oanh 120 triệu đồng từ năm 2015 với lãi suất 30%/tháng. Đến khi chị bà mất khả năng trả nợ, vợ chồng bà Oanh liên tục chửi bới, đe dọa.

Ba chị em đều bị đánh

Bà Em kể chiều 26-2-2017, bà đang ở nhà mẹ ruột tại xã Mỹ Long (Cao Lãnh, Đồng Tháp) thì nhận được cuộc gọi từ bà Oanh chửi bới không ngớt. Năm phút sau, vợ chồng bà Oanh vào nhà. Vì nhầm em gái bà Em nghe điện thoại nên bà Oanh chửi mắng, cầm nón bảo hiểm đánh. Thấy em bị đánh, một chị của bà Em (bị tật ở chân) vào can thì bị chồng bà Oanh dùng kéo đâm trúng bụng. Mẹ bà Em vào can cũng bị chồng bà Oanh đá té ra ngoài.

Tiếp đó chồng bà Oanh dùng kéo đâm bà Em. Bà Em lấy tay gạt thì bị đứt tay, bị đâm trúng môi. Sau đó chồng bà Oanh lôi bà Em qua bên kia đường đánh túi bụi. Chưa hết, có nhiều thanh niên không biết từ đâu xông tới, cầm nón bảo hiểm đánh ba chị em bà khiến cả ba chị em bà đều bị thương.

Được tin báo, Công an xã Mỹ Long đã tới hiện trường lập biên bản, đưa hai bên về trụ sở làm việc và báo cáo vụ việc lên Công an huyện Cao Lãnh. Sau đó, CQĐT Công an huyện ra quyết định trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật đối với chị em bà Em.

Tháng 3-2017, Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp kết luận em gái bà Em có tỉ lệ thương tật 12%, bà Em tỉ lệ thương tật 7%, chị bà Em có tỉ lệ thương tật 2%, bà Oanh tỉ lệ thương tật 2%.

Ba chị em bà Em yêu cầu khởi tố vợ chồng bà Oanh và nhóm người đánh chị em bà. Quá trình điều tra, CQĐT cho rằng tỉ lệ thương tật 12% của em gái bà Em còn mâu thuẫn nên quyết định trưng cầu giám định tại Phân viện Pháp y Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, em gái bà Em không chịu đi giám định lại. Từ đó, CQĐT cho rằng không có căn cứ xử lý đối với bà Oanh, hành vi của bà Oanh không cấu thành tội cố ý gây thương tích và ra quyết định không khởi tố vụ án, chỉ xử lý hành chính vợ chồng bà Oanh cùng hai người đánh chị em bà Em.

Bốn mẹ con bà Em trình bày sự việc với PV. Ảnh: YC

Vết thương trên mặt em gái bà Em thể hiện rõ có ba vết thương. Ảnh: YC

Nếu nạn nhân yêu cầu, sẽ giám định lại

Mẹ bà Em (82 tuổi) nghẹn ngào: “Tụi nó đánh các con của tôi túi bụi. Con gái thứ sáu của tôi (chị bà Em - PV) bị tật nguyền từ nhỏ, đi lại khó khăn mà bị nó (chồng bà Oanh - PV) dùng kéo đâm vào bụng, lúc tôi can ngăn nó còn đá tôi văng ra. Ấy vậy mà công an không chịu xử lý”.

Ba chị em bà Em bức xúc, bảo gia đình uất ức lắm, nhất là người mẹ, mỗi lần nhắc lại sự việc hôm đó là cụ lại khóc, cứ nói thân già yếu đâu làm gì được, chỉ biết đứng nhìn ba đứa con gái của mình bị người ta đánh tả tơi.

Em gái bà Em kể ngày 12-7-2017, bà đã bắt xe lên TP.HCM để giám định lại theo yêu cầu của CQĐT. Tuy nhiên, khi tới Bến xe Miền Tây, bà liên tục nhận được các cuộc gọi từ chồng bà Oanh và từ các số máy lạ đe dọa. Vì lo sợ nên bà quay về. Bà cũng cho biết sau đó đã yêu cầu CQĐT căn cứ vào kết quả giám định lần đầu để giải quyết nên làm đơn từ chối giám định lại.

Để tìm hiểu rõ hơn, PVPháp Luật TP.HCM liên hệ Công an huyện Cao Lãnh. Phía CQĐT cho biết vì em gái bà Em không đi giám định, không xác định được tỉ lệ thương tật nên hành vi của bà Oanh không cấu thành tội phạm.

CQĐT cũng cho biết yêu cầu giám định lại do số lượng và kích thước vết thương còn mâu thuẫn. Cụ thể, CQĐT yêu cầu làm rõ trong giấy chứng nhận thương tích của BV đa khoa huyện ghi vùng cằm có ba vết thương không liên tục, xây xát da chảy máu nhưng bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh chỉ giám định hai vết thương... Tuy nhiên, về vấn đề này Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp từng trả lời rằng qua các giấy tờ CQĐT cung cấp cùng khám thực tế trên cơ thể đương sự, tổn thương xây xát da sẽ lành và mất đi sau khoảng 5-7 ngày nên tại thời điểm giám định chỉ thấy có hai vết sẹo…

CQĐT cũng cho rằng đã mời em gái bà Em đi giám định lại tổng cộng bốn lần nhưng em gái bà Em không chấp hành mà không có lý do chính đáng. Hiện nay vụ việc đã kết thúc. Hành vi của vợ chồng bà Oanh và hai người khác đã bị CQĐT xử phạt hành chính tổng cộng hơn 2,6 triệu đồng.

Về phía bà Em tố rằng chồng bà Oanh dùng kéo đâm trúng bụng chị bà Em, chồng bà Oanh khai cây kéo của chị bà Em, trong lúc hai bên giằng co thì cây kéo đâm trúng bụng chị bà Em. CQĐT chưa xác định được cây kéo là của ai. Mặt khác, không có nhân chứng cũng như chứng cứ nào chứng minh được hành vi cố ý gây thương tích của chồng bà Oanh đối với chị bà Em nên không có cơ sở khởi tố chồng bà Oanh với tình tiết dùng hung khí nguy hiểm.

PV Pháp Luật TP.HCM cũng liên hệ VKSND huyện Cao Lãnh. Theo cơ quan này, nếu có nhân chứng biết rõ nguồn gốc cây kéo màu đen mà CQĐT thu giữ và quá trình xô xát giữa chồng bà Oanh với chị bà Em thì VKS sẽ đề nghị CQĐT xác minh. Mặt khác, nếu em gái bà Em có yêu cầu, VKS huyện sẽ đề nghị CQĐT xem xét cho đi giám định lại để làm rõ tỉ lệ thương tật nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án.

PV tiếp tục liên hệ Công an tỉnh Đồng Tháp, phía cơ quan này cho biết sẽ xem xét và sớm trả lời.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Bị kiện ngược

Sau khi Cơ quan CSĐT không khởi tố vụ án, bà Oanh khởi kiện yêu cầu em gái bà Em và anh rể bà Em bồi thường 13 triệu đồng. Theo bà Oanh, việc em gái bà Em làm đơn đề nghị khởi tố hình sự bà và làm đơn gửi các cơ quan, ban ngành liên quan nơi bà làm việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tinh thần của bà. Cạnh đó, bà Oanh cho rằng anh rể bà Em (giám đốc BV đa khoa huyện) đã cấp giấy chứng nhận thương tích cho em gái bà Em không đúng sự thật.

Tháng 4-2018, TAND huyện Cao Lãnh đã thụ lý vụ kiện, xác định đây là vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm. Tuy nhiên, mới đây tòa đã đình chỉ vụ án vì bà Oanh rút đơn khởi kiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm