Dang tay chờ đón Sang về…

“Cho con được cúi đầu tạ lỗi với ba mẹ. Con đã làm khổ ba mẹ quá nhiều. Con nhớ rất rõ cái ngày đen tối đó, con đã dùng xăng đốt làm bị thương sáu bạn nữ. Số tiền khắc phục hậu quả do con gây ra rất lớn, ba mẹ phải gánh hết. Đã vậy hằng tháng ba mẹ còn lo tiền lên thăm con. Con ân hận quá…” - em Trần Ngọc Sang (Củ Chi, TP.HCM) tỏ bày trong bức thư viết cho gia đình sau một đêm không ngủ tại trại giam Hàm Tân, Bình Thuận.

Muốn khóc to nhưng sợ mẹ buồn

Một ngày se lạnh cuối năm 2014, tôi ghé thăm ba mẹ Sang. Ngôi nhà nhỏ ba mẹ em đang ở nhờ nằm biệt lập với khu dân cư, xung quanh là đồng trống đầy cỏ dại và những bụi cây xơ xác. Mọi thứ không có gì thay đổi sau một năm Sang đi thụ án, nước vẫn ngập tận hiên nhà mỗi khi trời mưa to hay thủy triều lên.

“Chủ nhật này vợ chồng tôi lại được đi thăm thằng Sang. Nó dạo này đen và ốm nhom à!” - ba Sang mở đầu câu chuyện. Ngồi bên cạnh, mẹ em không còn cái nét buồn rười rượi như khi gặp chúng tôi lần trước, thay vào đó là một nụ cười rạng rỡ: “Nhờ cải tạo tốt, nó được giảm bốn tháng tù rồi đó cô ạ!”. Nói xong, bà chạy vội vào nhà lấy bức thư ra khoe. Bức thư do Sang viết cách đây đã ba tháng, màu mực tím trông vẫn còn tươi trên tờ giấy học trò, không một dấu gạch xóa.

“Khoảng thời gian này không có ba mẹ ở bên, con mới thấy được tình cảm của ba mẹ thật bao la. Mỗi lần mẹ xách giỏ lên thăm, con thấy trên mặt mẹ hằn lên những vết nhăn rất nhiều. Con biết mẹ lo cho con lắm. Lần nào mẹ cũng hỏi ở trong này con ngủ có ngon không, con ăn có đủ không. Nhiều lúc con muốn khóc thật to nhưng sợ mẹ buồn.”

 
Thầy cô luôn dang tay chờ đón em trở về (Sang ngồi thứ hai, giữa ảnh). Ảnh: X.NGỌC

Đọc tới đây, khóe mắt tôi chợt cay cay. Tuổi của em lẽ ra giờ này phải ngồi trên ghế nhà trường, được cha mẹ, thầy cô bảo bọc chứ không phải sa chân vào chốn lao tù. Khi màn đêm buông xuống, sau khung cửa sắt, cô đơn đối diện với bóng tối, sự lạnh lẽo và nỗi nhớ nhà là quá sức chịu đựng của một đứa trẻ mới 16 tuổi…

Mới hôm rồi ba em phải vào bệnh viện cấp cứu. Đó là hậu quả của những ngày ham việc, để có tiền đi thăm nuôi em. Giữa trưa nắng, ông phơi lưng ngoài đồng cặm cụi cắt từng ngọn cỏ đi bán. Cứ đều đặn hai tuần một lần, ông bà lại khăn gói đi thăm con. Sức khỏe yếu nhưng lần nào bà cũng ngồi sau xe chồng vượt cả trăm cây số để động viên con: “Bạn tù có kiếm chuyện đánh con, con cũng phải nhịn, đừng có làm gì bậy bạ”. Mỗi lần như vậy, tiền xăng, tiền nước, tiền quà... cũng ngốn của họ cả triệu bạc dù đã tiết kiệm tối đa.

Hạnh phúc từ 200.000 đồng

Quanh căn nhà Sang, trên tường tờ giấy khen xen lẫn với những bức tranh đủ màu sắc do em vẽ vẫn nằm đó. Sang có hoa tay, thầy cô thường nhờ em vẽ để minh họa cho bài giảng và giao cho em phụ trách báo tường của lớp. Tôi ngỏ ý muốn mua tặng Sang bộ viết chì màu, cha em ngăn: “Cán bộ quản giáo dặn không được vẽ gì hết. Nếu để mấy phạm nhân khác trông thấy, họ sẽ nhờ xăm trổ lên mình. Ở trong đó nhiều đứa bé tí cũng đua nhau xăm, chắc cha mẹ của chúng buồn lắm”.

Trong trại, Sang được giao nhiệm vụ làm ghế. Có lần nhóm em làm vượt chỉ tiêu đề ra, số sản phẩm ấy được cán bộ quy ra tiền, mỗi em lãnh được hơn 200.000 đồng. “Có tiền, tụi nó chạy ùa đi mua mì gói, đội lên đầu chạy rầm rầm về phòng. Vui lắm!” - mẹ Sang kể.

Trong thư, Sang viết: “Ở trong trại con thiếu thốn tình cảm của ba mẹ nhiều lắm. Chỉ có cán bộ quản giáo thường xuyên nhắc nhở, giáo dục riêng để con nhận rõ lỗi lầm...”. Lâu lâu cán bộ quản giáo lại gọi điện thoại báo tin Sang vẫn khỏe mạnh, gia đình cứ yên tâm. Nghe những lời động viên ấy, vợ chồng ông như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những ngày vắng con.

Trường sẽ đón em về

Giữa lúc không khí đang chùng xuống, chợt đâu đó có tiếng đàn gà con kêu chíp chíp. Tôi nhớ năm ngoái, trước giờ đi thi hành án, Sang đã ôm ba con gà do tự tay em nuôi lớn đem bán, đưa hết tiền cho mẹ như một lời cảm ơn. Sang chỉ để lại một con gà mà em thích nhất. “Mỗi lần tôi lên thăm là nó lại hỏi gà còn ở nhà không mẹ. Giờ gà cũng già quá rồi, đẻ không nổi nữa” - ba Sang kể. Hôm ấy cũng là buổi học cuối cùng Sang được mặc chiếc áo trắng học trò. Lúc chia tay, thầy cô và các bạn trong lớp rơi nước mắt: “Chiều nay Sang đi rồi à?”. Ở nhà dù đã kiềm chế nhưng thi thoảng nước mắt mẹ Sang lại rơi xuống. “Út đi chừng nào về, bà ngoại? Bà ngoại mới khóc à?”, câu hỏi ngây thơ của đứa cháu gái mới bốn tuổi càng khiến không khí thêm trầm lắng.

Hơn 10 năm trước, cha mẹ Sang từ Cần Thơ lên Sài Gòn lập nghiệp với mong ước con cái có tương lai tốt hơn. Sang còn một chị gái lấy chồng dưới quê cũng chẳng khá giả gì. Mọi hy vọng vào tương lai gia đình đặt hết vào Sang: “Dù thế nào đi nữa tôi vẫn phải ráng làm nuôi nó. Nó phải có chữ nghĩa để sau này không còn phải đi ở đợ như vợ chồng tôi”.

Không chỉ ba mẹ, cô Hiếu, cô Xuân Lang (cán bộ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan thường trực phía Nam) cũng gửi thư động viên Sang: “Cô rất tiếc cho cháu, một học sinh ngoan hiền, chỉ vì quá ức chế đã hành động dại dột để rơi vào hoàn cảnh hiện nay. Cô cũng mừng vì trong thời gian qua cháu đã cố gắng cải tạo tốt. Sang ơi, cuộc đời cháu còn rất dài, tương lai cháu đang ở phía trước, cha mẹ rất thương cháu, đang mong cháu trở về, đặt hết niềm hy vọng vào cháu…”.

Trên cuốn lịch năm mới vừa treo, ba mẹ đã kịp gấp chéo nhiều tờ để đánh dấu tới ngày thăm con. Chỉ còn một thời gian nữa thôi Sang sẽ lại về với ba mẹ, với mái trường THPT Phú Hòa Đông. Nơi đó, thầy cô và bè bạn vẫn đang chờ em, như lời thầy Phó Hiệu trưởng Võ Nhựt Thành từng nói: “Thầy mong em đừng tự ti, mặc cảm và vẫn giữ được sự trong trẻo của cậu học trò ngày nào. Nhà trường lúc nào cũng mở rộng vòng tay đón em trở lại”.

Gây án từ sự ức hiếp của bạn

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, Sang thường hay bị Th. và Tr. (là học sinh cá biệt, học cùng lớp 8) bắt nạt, hiếp đáp, buộc em phải làm việc này việc kia, nếu không sẽ bị đánh. Một ngày tháng 8-2011, do vô cớ bị Th. đánh, Sang đổ xăng vào chai thủy tinh và dùng bông gòn nhét vào miệng chai đem đến trường. Nhìn thấy Tr. đang ngồi trong lớp, Sang liền châm lửa chai xăng ném vào nhưng không trúng Tr. và Th. mà lại làm cho các bạn khác bị bỏng, trong đó có hai bạn bị thương tật đến 15% và 32%.

Dang tay chờ đón Sang về… ảnh 2

Trần Ngọc Sang khi còn ở nhà. Ảnh: N.NGA

Để xoa dịu nỗi đau của người bị hại, gia đình đành cho Sang nghỉ học một năm. Sau đó em tiếp tục quay trở lại trường học rồi thi đậu vào Trường công lập THPT Phú Hòa Đông. Năm 2013, VKSND huyện Củ Chi truy tố Sang về tội cố ý gây thương tích nhưng đề nghị tòa cho hưởng án treo. Tuy nhiên, TAND huyện Củ Chi đã tuyên phạt Sang hai năm tù giam và buộc bồi thường 130 triệu đồng. Cha Sang kháng cáo xin cho con mình hưởng án treo để được tiếp tục đi học nhưng tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm. Cha Sang gửi đơn xin tạm hoãn thi hành án để đợi em học xong cũng không được chấp nhận. Ngày 3-12-2013, Sang chia tay thầy cô và bạn bè vào trại giam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm