Dân yêu cầu, tòa không được từ chối

Theo ông Hải, một điểm mới rất đáng chú ý liên quan đến quyền khởi kiện nhờ tòa án giải quyết tranh chấp là dự thảo BLDS (sửa đổi) đã quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự. Song song đó, dự thảo cũng bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện.

Bảo vệ quyền công dân

. Phóng viên:Thưa ông, các ý kiến góp ý về hai điểm mới này như thế nào? Quan điểm của ông ra sao?

+ Ông Nguyễn Hồng Hải (ảnh): Về cơ bản, đa số ý kiến nhất trí với định hướng quy định trong dự thảo là tòa án không có quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự cũng như việc bỏ thời hiệu khởi kiện. Hiện nay dự thảo BLTTDS (sửa đổi) do TAND Tối cao chủ trì cũng đã thể hiện tinh thần như quy định trong dự thảo BLDS (sửa đổi) về các vấn đề này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn về hậu quả của quy định có thể gây ra áp lực công việc rất lớn cho tòa án.

Cá nhân tôi nhất trí với định hướng quy định trong dự thảo. Đây là sự sửa đổi quan trọng để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức, xây dựng pháp luật để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền; tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự ổn định, an toàn pháp lý cho các quan hệ dân sự.

Người dân đợi làm thủ tục khởi kiện tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Tôn trọng nguyên tắc thiện chí

. Thưa ông, một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo quy định chấp nhận cho tòa án có thẩm quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Như vậy có vi phạm nguyên tắc “việc dân sự cốt ở hai bên” hay không? Ý kiến góp ý đa số có ủng hộ quy định tại dự thảo?

+ Đúng là nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chủ thể cũng phải tôn trọng nguyên tắc thiện chí trong xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể phát sinh những sự kiện pháp lý mà các bên không thể lường trước được khi giao kết hợp đồng hoặc có thể lường trước được nhưng sự phát triển của sự kiện đó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, dẫn tới mất sự cân bằng về lợi ích cho các bên. Trong các trường hợp này, hoàn toàn có thể khắc phục được hoặc giảm thiểu được sự mất cân bằng về lợi ích nếu các bên bằng sự thiện chí của mình thỏa thuận về việc điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh thay đổi. Trường hợp một bên (thường là bên nhận được lợi ích cao hơn khi hoàn cảnh thay đổi) thiếu sự thiện chí, hợp tác trong việc thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng thì tòa án theo yêu cầu của chủ thể có thể điều chỉnh nội dung hợp đồng để bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên trong hợp đồng.

Ở đây cũng cần phải phân biệt giữa “hoàn cảnh thay đổi” với “sự kiện bất khả kháng”. “Hoàn cảnh thay đổi” là như tôi đã phân tích ở trên. Còn “sự kiện bất khả kháng” được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với quy định mới này của dự thảo. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng hơn để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, hạn chế sự lạm dụng để can thiệp vào ý chí của các bên trong hợp đồng.

. Xin cám ơn ông.

Rất phù hợp!

Việc ghi nhận nội dung tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự trong BLDS (sửa đổi) là cần thiết. Công dân khi quyền lợi bị xâm phạm thì họ chỉ có thể trông cậy vào tòa, tòa từ chối thì ai sẽ bảo vệ quyền công dân? Chúng ta phải bảo vệ quyền công dân bằng pháp luật và lẽ công bằng.

Quy định này đã được nhiều nước trên thế giới ghi nhận, áp dụng và hiệu quả đem lại rất tích cực. Một số ý kiến lo ngại việc luật hóa quy định bắt nguồn từ việc xem xét về tính hợp hiến, trình độ của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, vấn đề giải thích pháp luật, nội hàm của quy định.

Theo tôi, Hiến pháp quy định Nhà nước luôn luôn bảo hộ quyền của công dân và đảm bảo cho công dân được hưởng quyền nên quy định này không trái Hiến pháp. Về trình độ của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, lâu nay chúng ta cứ nghĩ đội ngũ này luôn trong tình trạng kém về năng lực, phẩm chất, yếu về trình độ, nghiệp vụ. Đây là quan điểm không khách quan và chưa tin cậy vào năng lực của những người làm công tác xét xử. Chúng ta chưa tạo điều kiện để đội ngũ này phát huy năng lực, kích thích sự sáng tạo, phát triển tư duy. Việc khuôn phép hóa các chuẩn mực làm cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân không dám vượt rào, không mạnh dạn xét xử những vụ, việc theo niềm tin nội tâm mà họ tâm huyết, trăn trở.

Về nội hàm của quy định tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự, thực sự không quá phức tạp như nhiều người lo nghĩ. Trên cơ sở quy định của luật, hướng dẫn của TAND Tối cao, sự chủ động của đội ngũ làm công tác xét xử, chắc chắn việc áp dụng quy định này sẽ đi vào quy củ, hoàn thiện, pháp chế XHCN sẽ được tăng cường, quyền con người sẽ ngày càng được bảo đảm.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, khoa Luật dân sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm