Dân được quyền kiện hành chính đến cấp nào?

Sáng 20-6, TAND Tối cao tổ chức hội thảo bàn về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) trong TAND định hướng đến năm 2030. Tại hội thảo, nhiều vấn đề quan trọng được các đại biểu bàn thảo để hướng đến mục tiêu “xây dựng được một nền tư pháp tiên tiến, chuyên nghiệp, độc lập, công khai, minh bạch, phụng sự Tổ quốc và nhân dân” như Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, người chủ trì hội thảo, kỳ vọng.

Đụng đến quyền con người phải do tòa án giải quyết

GS-TS Hoàng Thế Liên, cựu thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhận xét: Trong lịch sử, chúng ta đã tiến hành CCTP 3-4 lần nhưng mạnh mẽ nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 và đặc biệt là Nghị quyết 49. “Hai nghị quyết này có nhiều đổi mới, gây sốc cho người này người kia nhưng thực chất về mặt tinh thần, những nội dung cải cách đó chỉ mong muốn chúng ta tiếp cận với những giá trị văn minh của nền tư pháp thế giới” - ông Liên nhận xét.

Tuy nhiên, theo ông, dù thực hiện rất bài bản nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều nội dung quan trọng trong nghị quyết cho đến nay chưa thực hiện được. Dù vậy, một số nội dung đã thực hiện cũng đã đặt nền móng cho chúng ta đi tiếp, không thể quay lại.

Cựu thứ trưởng Tư pháp nhắc lại quy định của Hiến pháp 2013, theo đó TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

“Hiến pháp giao cho tòa án nhiệm vụ bảo vệ quyền công lý, đây là nơi duy nhất người dân đến để kiện tụng. Vậy chiến lược tới đây phải phát triển năng lực của tòa đủ để giải quyết mọi tranh chấp xảy ra trong xã hội” - ông Liên nói. Ông cho rằng Chính phủ và các cơ quan hành chính chỉ xử lý vi cảnh, còn đụng đến quyền con người, đụng đến lợi ích phải giải quyết bằng con đường tòa án.

“Mặc dù chúng ta đang đi theo hướng đó nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Nhiều thủ trưởng các ngành nói rất muốn thế nhưng sợ tòa chưa đủ năng lực. Tại sao chúng ta lại nhìn người giao việc như vậy, trong khi lẽ ra phải từ việc xây luật và xây tổ chức?” - ông Liên nói.

Độc lập của tòa án, độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi xét xử và đưa ra phán quyết… là biểu hiện của một nền tư pháp độc lập. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Được quyền kiện văn bản cấp chính phủ trở xuống?

Ông Liên cũng nhắc lại quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay việc can thiệp vào quyền con người, hạn chế quyền con người bằng văn bản cấp chính phủ trở xuống rất nhiều.

“Người dân không biết kiện ở đâu vì họ chỉ được kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính. Tại sao chúng ta không mở rộng ra, dân có quyền kiện văn bản của cấp chính phủ trở xuống?” - cựu thứ trưởng Tư pháp đặt vấn đề.

PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, cựu ủy viên thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương, cũng đề xuất nên nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của tòa án. Theo đó, TAND Tối cao phán quyết về những văn bản không phù hợp với hiến pháp. Tòa án cấp dưới phán quyết về văn bản của cấp bộ và chính quyền địa phương khi nó không phù hợp với luật và hiến pháp.

Rất may, Hiến pháp 2013 quy định cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định.

Tôi đề nghị xem xét lại vai trò của VKS. VKS là một bên thay mặt Nhà nước để buộc tội, có tội hay không phải còn tranh luận với luật sư và tòa án là người quyết định sau cùng. Vậy tại sao VKS lại có quyền giám sát hoạt động xét xử và nếu tòa quyết không theo ý của VKS thì VKS được quyền kháng nghị?

GS-TS HOÀNG THẾ LIÊN 

Tính độc lập - đặc trưng cốt lõi của nền tư pháp

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề về tính độc lập của quyền tư pháp và của việc thực hiện quyền tư pháp. GS-TS Võ Khánh Vinh, cựu phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng tính độc lập là đặc trưng cốt lõi của quyền tư pháp, “là đặc trưng của đặc trưng”.

“Tính độc lập này thể hiện ở sự độc lập về vị trí, vai trò trong cơ chế quyền lực nhà nước; độc lập về quyền năng; chủ thể thực hiện; độc lập của tòa án, độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi xét xử; độc lập về phương thức thực hiện quyền; tố tụng tư pháp; chỉ tuân theo pháp luật; độc lập trong việc đưa ra phán quyết, nghiêm cấm mọi sự can thiệp. Nói cách khác, đây là sự độc lập về tổ chức và hoạt động” - TS Vinh nói.

GS-TS Hoàng Thế Liên nhận xét: Hiện nay chúng ta chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc độc lập này. “Quan hệ giữa các cấp tòa án, giữa các thẩm phán, cơ quan tố tụng là quan hệ tố tụng nhưng chúng ta lại mang cả quan hệ hành chính vào đó” - ông Liên nhận xét. Ông đề xuất về lâu dài nên thành lập ủy ban tư pháp do chánh án TAND Tối cao đứng đầu. “Không nên hành chính hóa hệ thống tư pháp của chúng ta, như vậy mới bảo đảm tính độc lập” - ông nhấn mạnh.

TS Lưu Tiến Dũng, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bày tỏ: “Quan ngại nhất là sự độc lập. Một mặt, hiện nay chúng ta muốn có sự độc lập của thẩm phán nhưng một giây sau đó ta lại dừng lại với lo ngại lạm dụng thì sao, tham nhũng, năng lực hạn chế thì sao… Sau đó chúng ta lại đưa ra nhiều quy định để cản trở sự phát triển độc lập của thẩm phán”.

Ông Dũng cho rằng cần mạnh dạn đặt mục tiêu xây dựng nền tư pháp độc lập, tự chịu trách nhiệm. Tất cả vấn đề hiện nay đang gặp phải như thẩm phán chưa đủ năng lực, thẩm phán chưa đáp ứng được yêu cầu về đạo đức… thì ở đâu cũng có nhưng không phải là bản chất. Chúng ta sẽ giải quyết dần dần, cùng với sự phát triển của xã hội, của kinh tế, cùng với vị thế ngày càng được nâng cao của thẩm phán.

Nghiên cứu chế định bồi thẩm đoàn

Phát biểu bế mạc hội thảo, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thống nhất với đề xuất của các chuyên gia không dừng lại ở chiến lược CCTP theo Nghị quyết 49, cần phải mở ra một chiến lược CCTP mới sau năm 2020.

“Mục tiêu của chiến lược CCTP mới là xây dựng được một nền tư pháp tiên tiến, chuyên nghiệp, độc lập, công khai, minh bạch, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, từng bước hiện đại” - ông Bình nhấn mạnh.

Theo chánh án, giải pháp cho chiến lược này là tiếp tục thực hiện những giá trị tích cực của Nghị quyết 49 mà chúng ta đã triển khai, đồng thời nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc những thành tựu của khoa học pháp lý tiên tiến trên thế giới như vấn đề bồi thẩm đoàn, bảo hiến, đoán định tư pháp, công nghệ thông tin… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm