Đại biểu Quốc hội mổ xẻ về vụ án đường Hồ Chí Minh

 
Bị cáo Lê Quang Tứ bật khóc tại phiên tòa.
Sáng nay, 5-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao năm 2019, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu: Ngày 25-10-2019, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị QH xem xét đưa vào diện giám sát đối với ba vụ án gồm: Vụ Trương Huy Liệu phạm tội buôn lậu; vụ cưa khúc gỗ trắc chết khô ở Kon Tum; vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường Hồ Chí Minh ở Kon Tum.

Kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Trước ngày TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ QH, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ QH) và chánh án TAND Tối cao tiến hành giám sát và xem xét lại vụ án nêu trên để có kết luận theo thẩm quyền.

Theo Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, các bị cáo kêu oan là có căn cứ. Bởi các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào Kết luận giám định 08 và 396A không đảm bảo tính pháp lý để truy tố các bị cáo, không chứng minh được yếu tố thất thoát, gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, tính đến thời điểm hiện nay, công trình chưa quyết toán nên không có căn cứ để cho rằng Nhà nước bị thiệt hại.

Thực tế thì Công ty Thanh Nam đã ứng trước tiền để thi công nên mới là đơn vị chịu thiệt hại chính. Trong suốt quá trình thi công, Bộ GTVT, Ban quản lý dự án đường HCM, Tổng Công ty 6, Công ty 621 không bỏ chi phí. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã không xác định được thiệt hại nào trong vụ án này.

Theo ĐB Sơn: “Một vấn đề lớn rút ra từ các vụ án này là vi phạm tố tụng trong hoạt động của mình thì có phải khôi phục trật tự tố tụng đó hay không?”.

Tiếp theo ý của ĐB Sơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) bổ sung khi nói về công tác xét xử, ĐB Nghĩa gửi đến chánh án TAND Tối cao một số băn khoăn, quan ngại.

Trong xét xử án hình sự, có biểu hiện gò ép việc áp dụng pháp luật theo ý của HĐXX.

Vụ án nổ mìn phá đá thi công đường Hồ Chí Minh kéo dài 16 năm, tính thiệt hại dựa vào chứng cứ không hợp lệ và từng bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) bác bỏ.

“Vụ án này đã được đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng và một số ĐBQH, trong đó có tôi, chính thức kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tư pháp xem xét, tổ chức giám sát” - ĐB Nghĩa nêu.

Năm 2009, xử sơ thẩm lần đầu TAND tỉnh Kon Tum từng tuyên bị cáo Bùi Hải Nhân không phạm tội. Ảnh: NGÂN NGA

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, trong xét xử án dân sự có biểu hiện tòa cấp dưới xét xử tùy tiện, bất cập với quy định rạch ròi của pháp luật và đường lối xét xử theo văn bản hướng dẫn của TAND Tối cao. Phải chăng có nhận thức sai về tính chất độc lập của thẩm phán. Theo Hiến pháp, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật chứ không phải độc lập, chỉ tuân theo ý kiến chủ quan của thẩm phán.

Tuy xét xử hội đồng nhưng có biểu hiệu thẩm phán chủ tọa là người quyết định, thẩm phán cánh gà chỉ tham gia cho đủ số. Vai trò của hội thẩm nhân dân có biểu hiện mờ nhạt, hình thức, làm mất đi ý nghĩa thực chất của chế định này.

Có những bản án có những biểu hiệu dựa vào quyền lực của tòa án hơn là sức mạnh của công lý, thể hiện bằng luận cứ và chứng cứ. Do đó không có sức thuyết phục cao, gây nghi ngờ trong nhân dân, bảo đảm pháp chế. 

Lúc không phạm tội, lúc lại phạm tội

Như PLO đã thông tin, năm 2000 để đảm bảo an toàn đường dây 500 kV dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Xây dựng công trình khai thác đá 621 (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đã ký hợp đồng để Công ty TNHH Thanh Nam thi công với phương án “nổ mìn đặc biệt”. Trong quá trình thực hiện, Công ty Thanh Nam đã thi công theo phương án “nổ om” của kỹ sư Bùi Hải Nhân (thuộc Công ty 621) cải tiến.

Năm 2002, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chấp nhận thanh toán 80% khối lượng phê duyệt được đề nghị với số tiền hơn 14 tỉ đồng. Năm 2005, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) giám định công trình và xác định hạng mục nổ mìn phá đá chỉ tốn hơn 10 tỉ đồng.

Cho rằng các bị cáo gây thiệt hại hơn 4 tỉ đồng nên cơ quan tố tụng hết khởi tố kỹ sư Bùi Hải Nhân tội tham ô tài sản rồi chuyển sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bắt tạm giam hai năm. 

Tháng 4-2009, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên Bùi Hải Nhân và hai người thuộc Công ty Thanh Nam không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa này còn miễn hình phạt cho tám bị cáo còn lại về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 7-2009, xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vì chưa đủ căn cứ kết tội tất cả bị cáo.

Năm 2018, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm (lần hai) buộc tội các bị cáo gây thiệt hại hơn 3,6 tỉ đồng (bằng cách lấy số tiền được tạm ứng hơn 14 tỉ đồng trừ hơn 10 tỉ đồng theo giám định). Từ đó tòa phạt Bùi Hải Nhân 10 năm tù, chín bị cáo còn lại từ 12 tháng tù treo đến tám năm tù (về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Cạnh đó Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng kháng cáo cho rằng TAND tỉnh Kon Tum dùng văn bản chỉ mang tính chất tham khảo để tính toán thiệt hại là không có cơ sở. Ngoài ra, hạng mục nổ mìn phá đá này mới tạm thanh toán, chưa quyết toán, không để xảy ra thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước.

Ngày 1-11, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã bác kháng cáo kêu oan của 7/10 bị cáo, sửa án sơ thẩm của TAND tỉnh Kon Tum và giảm án mạnh cho 10 bị cáo.

Cụ thể, tòa tuyên giảm án cho bị cáo Bùi Hải Nhân từ 10 năm xuống còn ba năm sáu tháng tù, Lê Quang Tứ từ tám năm tù xuống còn ba năm tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tám bị cáo còn lại người bị tội như Nhân, người bị tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó năm bị cáo được tòa tuyên giảm xuống còn từ 18 tháng đến ba năm tù nhưng cho hưởng án treo, ba bị cáo còn lại được tòa miễn hình phạt.

Hiện bị cáo đã gửi đơn kêu oan tới các cơ quan có thẩm quyền.

Tòa không tuyên vô tội mà giảm án đến 6,5 năm tù
Tòa không tuyên vô tội mà giảm án đến 6,5 năm tù
(PL)- Trong vụ án “cải tiến” khi làm đường Hồ Chí Minh, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã giảm án đến kỳ lạ, có người từ 10 năm xuống còn 3,5 năm tù, có người từ tám năm tù (giam) xuống còn ba năm tù treo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm