Đại án ngân hàng: Tiền nào là vật chứng?

Ngày 30-1, TAND TP.HCM tiếp tục phần đối đáp phiên xử vụ Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm bị truy tố về tội cố ý làm trái. Liên quan đến việc VKS bảo lưu quan điểm thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng từ ba ngân hàng (NH) Sacombank, TPBank và BIDV để khắc phục thiệt hại cho NH CB (trước đây là VNCB), các luật sư (LS), luật gia không đồng tình.

Luật gia Vương Công Đức, người bảo vệ quyền lợi cho NH Sacombank, nói: “Trong cáo trạng ghi rõ trách nhiệm hình sự là của sáu giám đốc công ty vay vốn Sacombank. Tuy nhiên, sau khi luận tội thì VKS lại yêu cầu Sacombank trả tiền cho VNCB thay cho sáu giám đốc này, không biết điều gì khiến VKS thay đổi 180 độ như vậy?”.

Ông Đức phân tích: Tại phiên tòa, bị cáo Danh và Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) đã thừa nhận sai sót và xin lỗi NH Sacombank nên không có lý do gì để yêu cầu BIDV, Sacombank, TPBank trả tiền cho VNCB. “Tại sao VKS không triệu tập CQĐT đến tòa để bảo vệ luận điểm điều tra của mình. VKS đã không sử dụng kết quả giám định của NH Nhà nước trong luận tội, cũng như đưa ra kết luận, cũng như tranh luận lại” - ông Đức thắc mắc.

Cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng đường đi của tiền từ VNCB đến Sacombank, đến sáu công ty vay vốn và đến Tập đoàn Thiên Thanh rồi quay về cho ông Danh. Vì sao VKS chỉ dừng dòng tiền đi tại Sacombank? Nếu yêu cầu thu hồi tiền thì không thể đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế.

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: QUỐC VŨ

Một LS khác đặt câu hỏi: “VKS yêu cầu ba NH phải chuyển tiền cho VNCB 6.126 tỉ đồng vì đây là vật chứng vụ án. Vậy đã xác định là tiền sai phạm, tại sao không coi toàn bộ 4.500 tỉ đồng vay của BIDV là vật chứng vụ án?”.

Theo LS, vụ án đang thiên về vấn đề lấy tiền về cho VNCB, với việc thu hồi như vậy thì có nghĩa là VNCB thiệt hại bao nhiêu thì thu hồi chừng đó chứ không phải là cho vay sai phạm bao nhiêu thì thu hồi chừng đó. LS cũng hỏi rằng có rất nhiều khoản tiền khác chưa được xác định là vật chứng của vụ án trong khi tiền của ba NH lại bị xem là vật chứng.

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Phan Thành Mai nêu ba ý liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng. Một là xem xét ở mốc thời điểm bị cáo bị khởi tố, số tiền này được sử dụng chăm sóc khách hàng, trả lại thị trường 1. Hai là làm rõ địa chỉ của khoản tiền này. Ba là mong giữ nguyên tắc giai đoạn 1 thu hồi khoản tiền này về khắc phục thiệt hại.

Bị cáo Danh bào chữa bổ sung, nói có đủ chứng cứ, ủy nhiệm chi liên quan đến khoản tiền chuyển khoản cho ông Trần Quý Thanh. Ông Danh đồng ý với ý kiến của các LS, đã là số tiền sai phạm thì phải thu hết. Bị cáo khẳng định: “4.500 tỉ đồng hoàn toàn là vật chứng, là số tiền sai phạm. Theo báo cáo kiểm toán của CB năm 2014, tiền mặt có trên 7.900 tỉ đồng, do đó không phải chúng tôi sử dụng hết số tiền đó. Mong HĐXX làm rõ sự thật, đúng bản chất sự việc”.

Tòa tạm nghỉ đến thứ Năm (1-2) sẽ tiếp tục xét xử.

Luật sư của ông Trần Quý Thanh nói gì?

LS bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích đồng ý với việc VKS đề nghị không thu hồi khoản tiền được cho là chuyển cho thân chủ mình.

Tuy nhiên, VKS có nêu trong trường hợp HĐXX xác định đó là vật chứng của vụ án thì đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. LS cho rằng không có cơ sở để kết luận bất cứ khoản tiền nào chuyển cho thân chủ là có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của vụ án. Các ý kiến liên quan cho đến thời điểm này đều xuất phát từ những lời khai một chiều, không khách quan và có mâu thuẫn về lợi ích. Số tiền này hiện nay không còn tồn tại vì đã được sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác và không giới hạn việc nộp thuế, trả lương…

LS cho biết đã nghiên cứu các vụ án lớn khác tương tự như vụ án OceanBank, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như... và không có vụ án nào xác định các khoản tiền đã trả cho các giao dịch ngay tình là vật chứng và thu hồi để khắc phục hậu quả. Từ đó, nếu xác định tiền được cho là chuyển cho thân chủ là vật chứng và thu hồi thì tổng số tiền bị thu hồi có thể lớn hơn cả thiệt hại của vụ án. Khi đó, người có hành vi vi phạm quy định của pháp luật không những phải chịu trách nhiệm về hành vi có lỗi của mình mà còn được hưởng lợi không có căn cứ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm