Đại án BIDV: Tổng giám đốc 'bù nhìn' nói mình chỉ là cái bóng

Chiều 28-10, sau khi đại diện VKS trình bày bản luận tội, 12 bị cáo cùng luật sư bào chữa trong đại án BIDV thực hiện quyền bảo vệ và tranh luận.

Đáng chú ý, bị cáo Trần Anh Quang (cựu tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi Bình Hà) mong muốn HĐXX xem xét những tình tiết mang tính đặc thù đối với mình.

Bị cáo Trần Anh Quang tự bào chữa tại tòa. Ảnh:TP 

Đứng trước bục khai báo, Trần Anh Quang nói đã nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân. “Trước đây, bị cáo cứ nghĩ mình chỉ làm theo chỉ đạo, số tiền chỉ là mượn chứ không phải chiếm đoạt. Sau khi làm việc với CQĐT, bị cáo nhận thấy đây là sai phạm” – Quang nói.

Theo lời cựu tổng giám đốc, số tiền chiếm đoạt của BIDV từ việc bán bò đều thực hiện theo sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch HĐQT BIDV). Số tiền này, Quang đã nộp vào công ty Bình Hà để góp vốn, phục vụ sự phát triển của công ty chứ không hề sử dụng cho cá nhân.

Bị cáo Quang cũng nói bản thân có tội thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng tha thiết HĐXX xem xét lại phần đề nghị của VKS liên quan tới mình, trong đó có việc buộc liên đới bồi thường cho BIDV. Lý do, bị cáo không chiếm đoạt số tiền này, bản thân bị cáo và gia đình dù có dùng hết khả năng cũng không thể chi trả.

“Bị cáo chỉ là lái xe, vị trí tổng giám đốc công ty chỉ là cái bóng mà thôi” – bị cáoTrần Anh Quang kết thúc phần tự bào chữa của mình.

Theo hồ sơ vụ án, để lách luật và cho con trai Trần Duy Tùng vay vốn, ông Trần Bắc Hà chủ trương thành lập công ty sân sau mang tên Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Công ty có ba cổ đông, gồm Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà, lái xe cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).

Quá trình hoạt động, Trần Anh Quang được dựng lên làm tổng giám đốc nhưng thực chất mọi quyết định đều do Trần Duy Tùng trực tiếp chỉ đạo.

Thông qua công ty này, BIDV thực hiện giải ngân hơn 2.600 tỉ đồng cho dự án chăn nuôi bò công nghệ cao, đến nay mất khả năng thu hồi vốn hơn 799 tỉ đồng.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Tùng, sau khi nhận tiền bán bò thay vì đưa về tài khoản của công ty Bình Hà để BIDV quản lý thì Trần Anh Quang và các bị cáo tại công ty lại chuyển vào tài khoản cá nhân để nộp tiền góp vốn. Hậu quả, các bị cáo chiếm đoạt hơn 149 tỉ đồng tiền bán bò, đến nay mới khắc phục được 128 tỉ đồng.

Khai trước tòa, Trần Anh Quang cho biết mình được Tùng nhờ đứng tên công ty theo pháp luật. Khi được nhờ, bị cáo nói không có trình độ để quản lý ở tầm giám đốc nên từ chối. Tuy nhiên, Tùng trấn an có giấy tờ gì cần ký Tùng sẽ chỉ đạo.

Mặc dù là tổng giám đốc nhưng Trần Anh Quang hoàn toàn không có mặt, không tham gia vào các hoạt động của công ty…

Hai cựu phó tổng BIDV xin giảm nhẹ

Tự bào chữa, ông Trần Lục Lang (cựu phó TGĐ BIDV) khẳng định luôn mong muốn các dự án đạt hiệu quả khi cho vay, không vì lợi ích cá nhân.

Bị cáo trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ như khai báo thành khẩn, bản thân có 30 năm công tác trong ngành ngân hàng với nhiều thành tích, đóng góp to lớn…, mong HĐXX xem xét, đánh giá khách quan để cho hưởng mức án nhẹ nhất.

Tương tự, ông Đoàn Ánh Sáng (cựu phó TGĐ BIDV) cũng nói đã thấy rõ hành vi vi phạm của mình, xin HĐXX xem xét nhiều yếu tố để giảm nhẹ hình phạt, trong đó có việc ông buộc phải ký theo quy trình.

Bị cáo Đặng Thanh Nam (cựu cán bộ quản lý khách hàng, BIDV chi nhánh Hà Thành) thể hiện sự ăn năn, day dứt. Bị cáo cho hay động cơ chỉ vì muốn ngân hàng phát triển, tuy nhiên đã có vi phạm như bản luận tội của VKS nêu. Bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cho mức án thấp để sớm trở về với gia đình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm