Đà Nẵng bỏ quy định cho người khác dùng tạm đất trống có chủ

Ngày 11-10, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành Quyết định 33/2018/QĐ-UBND ban hành quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.

Quyết định 33 có hiệu lực từ ngày 10-10-2018, thay thế các quyết định có liên quan trước đó, đặc biệt là thay thế Quyết định 39/2014/QĐ-UBND ngày 29-10-2014.

Chủ quán nhậu này đóng cửa, tháo biển bỏ đi khỏi địa phương sau khi bị chủ đất đòi lại lô đất. Ảnh: TẤN VIỆT

Cụ thể, khoản 1 Điều 10 của Quyết định 33 quy định trách nhiệm của người sử dụng đất: Giữ gìn vệ sinh môi trường tại thửa đất được giao quyền sử dụng đất. Trường hợp thửa đất bị ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm dọn vệ sinh bảo đảm môi trường và cảnh quan đô thị.

Người sử dụng đất là cá nhân thực hiện ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan đăng ký đất đai tại các quận, huyện, Sở TN&MT khi được cấp, cấp chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng giao đất, thuê đất hoặc quyết định giao đất.

Trong trường hợp thửa đất chưa sử dụng bị ô nhiễm môi trường nhưng người sử dụng đất không có các biện pháp khắc phục, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường.

Người sử dụng đất phải hoàn trả chi phí bảo vệ môi trường cho chính quyền (nếu có) trước khi giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Đáng chú ý, Quyết định 33 của UBND TP Đà Nẵng đã bỏ quy định trong Quyết định 39/2014 về việc cho phép cá nhân, tổ chức sử dụng tạm thời đất trống đã có chủ nhằm giữ vệ sinh môi trường.

PV đã đặt câu hỏi với bà Võ Thị Như Hoa (Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng) rằng theo các luật sư, việc TP có chủ trương cho phép người khác dùng tạm đất ở đã có chủ trong bốn năm vừa qua là vi phạm Luật Đất đai năm 2013, thậm chí vi hiến.

Bà Hoa cho hay: “Nhiều khi luật sư đâu có hiểu được ngóc ngách của vấn đề. Qua thực hiện quy định đó thì bộ mặt của TP khác, còn hơn để người ta đổ rác, xà bần đầy lên đó thì sao”.

“Trách nhiệm kiểm tra, xử lý việc đổ rác, xà bần trái phép là của lực lượng quy tắc đô thị. Còn TP không thể vì thế mà cho phép làm trái Luật Đất đai” - PV hỏi tiếp thì bà Hoa nói: “Có những cái đặc thù của địa phương mà pháp luật chưa có quy định thì địa phương, HĐND TP được thẩm quyền quyết định, có chủ trương”.

Bà Hoa cũng cho hay sẽ kiểm tra lại các văn bản liên quan một lần nữa rồi thông tin thêm với PV.

Nói về chủ trương của UBND TP Đà Nẵng theo Quyết định 39, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho hay: “Quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân được pháp luật bảo hộ. Nếu chính quyền địa phương cho phép sử dụng đất của người khác một cách tùy tiện, trái phép như thế, dù chỉ là tạm thời cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, tranh chấp rắc rối xảy ra. Dù vì mục đích môi trường hay gì đi chăng nữa thì chính quyền địa phương cũng không thể làm việc này vì nó hoàn toàn trái pháp luật”.

Như đã thông tin, ít nhất có một trường hợp dựng quán nhậu trái phép trên đất trống ở đường Nguyễn Tất Thành (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đang khiến chính quyền địa phương lúng túng trong cách xử lý giữa việc cưỡng chế quán hay cho chủ đất kiện ra tòa bởi chủ quán nhậu “chui” đã đi khỏi địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm