Đã đăng báo rồi, tiền đâu tòa trả lại?

Bà G. (ngụ quận 3, TP.HCM) vừa có đơn yêu cầu được nhận lại 20 triệu đồng là tiền tạm ứng chi phí phá sản trước đó bà phải đóng.

Trước đó, bà G. có đơn yêu cầu TAND TP.HCM mở thủ tục phá sản đối với Công ty K. (tên đã được thay đổi). Ngày 24-2, tòa này ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty K. Sau đó công ty K. đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét lại quyết định trên. Sau đó tòa đã hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TP.HCM. Lý do là ngày 13-3, Chi cục Thi hành án dân sự quận 2, TP.HCM thông báo Công ty K. đã nộp toàn bộ số tiền còn thiếu trả nợ bà G. Bản thân bà G. cũng đã có yêu cầu đình chỉ mở thủ tục phá sản. Nhưng riêng khoản tiền bà G. đã đóng tạm ứng nêu trên thì TAND Cấp cao tại TP.HCM không đá động gì đến.

Theo quy định, ngay khi TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản thì tòa phải dùng một phần số tiền tạm ứng trên của bà G. đóng để đăng báo. Trong khi Điều 42 Luật Phá sản cũng quy định nếu tòa không ra quyết định mở thủ tục phá sản thì phải trả lại tiềm tạm ứng chi phí cho bà G. Vướng mắc ở chỗ TAND TP.HCM sẽ phải trả đủ 20 triệu đồng cho bà G. hay còn bao nhiêu thì trả bấy nhiêu? Nếu trả đủ thì lấy tiền từ đâu để trả?

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, đây là khó khăn các thẩm phán đang gặp phải khi quyết định mở thủ tục của họ bị hủy. Thẩn phán làm đúng theo quy định tại Điều 43 Luật Phá sản. Theo đó, trong vòng ba ngày làm việc từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản tòa phải đăng trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cổng thông tin điện tử của tòa và trên hai số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.

Đến khi bị hủy thì chi phí đăng báo này không biết ai phải trả cho người tạm ứng. Nếu buộc Công ty K. trả lại số tiền này thì không hợp lý vì cuối cùng họ không bị phá sản. Còn nếu nói TAND TP.HCM ra quyết định phá sản bị hủy phải chịu thì tòa không biết lấy tiền từ nguồn nào để trả.

ThS Từ Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng trong vụ này Công ty K. phải hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản cho bà G. (căn cứ pháp lý là khoản 1 Điều 86 Luật Phá sản). Vì khi tòa hủy quyết định phá sản thì thủ tục này bị đình chỉ do doanh nghiệp đã tự phục hồi khả năng thanh toán. Tòa án với vai trò là cơ quan điều phối thủ tục phá sản sẽ không có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền này cho bà G.

Tòa đã dùng một phần khoản tiền tạm ứng chi phí phá sản sử dụng để đăng báo là đúng quy định của Luật Phá sản. Do đó TAND TP.HCM sẽ trả lại số tiền tạm ứng còn dư cho bà G., còn tiền đã đăng báo thì Công ty K. phải trả lại cho bà. Nếu Công ty K. không trả thì TAND TP.HCM căn cứ vào khoản 3 và 4 Điều 23 Luật Phá sản giao cho quản tài viên bán một số tài sản của doanh nghiệp để trả.

Tính lại thời gian đăng báo

Nhiều thẩm phán cho rằng Luật Phá sản nên quy định theo hướng khi có quyết định mở thủ tục phá sản, nếu hết thời hạn mà những người tham gia không có đơn đề nghị xem xét và VKS cũng không kháng nghị thì lúc đó TAND mới đăng báo để thông báo. Ngoài ra, cần bổ sung sau khi quyết định mở thủ tục phá sản bị tòa cấp trên hủy thì tòa án nơi ra quyết định ban đầu cũng phải đăng báo để tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm