Cựu quan chức TP Vũng Tàu đồng loạt kêu oan

Ngày 18-7, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục phần xét hỏi phiên xử sơ thẩm vụ tiêu cực liên quan đến Công ty CP Địa ốc An Khang tại dự án Metropolitan. Đặc biệt, nhóm bị cáo cựu quan chức UBND TP Vũng Tàu bị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai đều kêu oan.

Không nhận 300 triệu đồng?

Bị cáo Vũ Quốc Tuấn (cựu trưởng Phòng TN&MT) là người HĐXX xét hỏi nhiều nhất. Tuấn cho rằng cáo trạng quy kết, gắn việc làm của mình với các dấu hiệu vi phạm của hợp đồng góp vốn trong vụ án lừa đảo là không đúng. Bị cáo thừa nhận việc phê duyệt vào phiếu đề xuất từ bị cáo, sau đó thấy hồ sơ đầy đủ thì ký tờ trình của phòng TN&MT, chuyển cho UBND TP chuyển mục đích sử dụng đất.

Khi HĐXX hỏi bị cáo có nhận số tiền 300 triệu đồng của Công ty An Khang để hỗ trợ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không, ông Tuấn đáp: Không. Vì thế tòa đã công bố lời khai trước đó của bị cáo này với nội dung thừa nhận có nhận tiền với địa điểm, thời gian rõ ràng. Thấy vậy, ông Tuấn cho rằng khi đó sức khỏe mình không tốt nên khai.

Bị cáo Nguyễn Trung Quốc (cựu cán bộ Phòng TN&MT) cũng không đồng tình với quy kết trong cáo trạng. Theo ông Quốc, sau khi bộ phận một cửa tiếp nhận 40 hồ sơ của 10 hộ gia đình cá nhân, bị cáo là người thẩm định lại. Khi kiểm tra xong, đối chiếu thấy hồ sơ đầy đủ thì lập tờ trình, trình chuyển cho lãnh đạo Phòng TN&MT, trình UBND cho chuyển mục đích sử dụng đất. Trong hồ sơ có đơn xin chuyển mục đích, hợp đồng góp vốn, đơn của 10 hộ gia đình cá nhân…

Bị cáo Phan Hòa Bình, cựu chủ tịch UBND TP Vũng Tàu tại tòa. Ảnh: TK

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sơn (cựu trưởng Phòng Quản lý đô thị) cũng cho rằng cáo trạng truy tố sai. Vì khi nhận được hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của Công ty An Khang đã xem xét, đối chiếu với quy hoạch chung của TP Vũng Tàu. Đề án được họp lấy ý kiến sở, ngành, phòng, ban, phường mới xem xét thông qua. Phòng Quản lý đô thị không có chức năng thẩm định, chịu trách nhiệm về quyền sử dụng đất của dự án. Dự án không chồng lấn với quy hoạch Bắc sân bay hay các quy hoạch khác. Theo bị cáo, mình không liên quan gì đến việc chuyển mục đích 40 hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất…

Hai ông Trương Văn Trí (cựu phó chủ tịch) và Phan Hòa Bình (cựu chủ tịch) cũng khẳng định mình không sai, không vi phạm như cáo trạng đã quy kết.

Chỉ khi gặp CQĐT mới biết là sai

Năm bị cáo đều khẳng định không sai trong việc thẩm định, ký duyệt 40 hồ sơ cho 10 hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở để dùng góp vốn vào Công ty An Khang. Cụ thể, sau khi nhân viên bộ phận một cửa của UBND TP Vũng Tàu nhận 40 hồ sơ của 10 hộ gia đình cá nhân, xin chuyển mục đích do Công ty An Khang đem nộp, bị cáo Quốc là người thẩm định lại.

Qua đối chiếu, kiểm tra về quy hoạch, đất đai… thấy hồ sơ hợp lệ nên ông Quốc làm tờ trình gửi lãnh đạo Phòng TN&MT xem xét. Khi nhận được tờ trình, bị cáo Tuấn cho rằng cũng đã đọc lại hồ sơ, thấy không có vướng mắc gì khác nên đã ký vào tờ trình trình lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu để ông Trí và ông Bình ký phê duyệt.

Các bị cáo cho rằng đối chiếu với quy định pháp luật thời điểm đó không chỉ riêng các hồ sơ của Công ty An Khang mà người dân khác khi xin chuyển mục đích sử dụng đất đều không cần phải có xác nhận của phường, xã. Tuy nhiên, cho đến khi làm việc với CQĐT (C46, Bộ Công an), các bị cáo mới thấy hồ sơ là có sai. Do 40 quyết định vẫn chưa được giao trả cho Công ty An Khang vì các hộ chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên UBND TP Vũng Tàu đã ban hành quyết định hủy bỏ để khắc phục sai phạm.

HĐXX và đại diện VKS nhận xét dù trong đơn kêu oan và tại tòa các bị cáo không thừa nhận nhưng các bị cáo đã thừa nhận hành vi sai trái của mình trong kết luận cuộc họp cuối tháng 12-2013 trước khi bị khởi tố. Biên bản cuộc họp của tập thể UBND TP Vũng Tàu do chính bị cáo Bình ký, từ đó mới có việc UBND hủy 40 quyết định đã ban hành.

Đã trả lại gần hết 400 tỉ huy động sai?

Trả lời tại tòa, bị cáo Ngô Thị Minh Phượng (chủ tịch HĐQT Công ty An Khang) khai đến nay đã có 213 bị hại thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền đã góp vốn vào công ty. Ngoài ra có 62 người đồng ý tiếp tục thực hiện dự án để nhận lại đất, 14 khách hàng còn lại (trong đó có nhiều người mới chỉ đặt cọc) thì công ty chưa liên hệ được nhưng đã chuẩn bị số tiền hơn 18,7 tỉ đồng để trả lại. Theo bị cáo này, công ty sẽ khắc phục xong số tiền hơn 400 tỉ đồng mà công ty huy động vốn từ khách hàng.

Từ đó bị cáo Phượng mong HĐXX sẽ xem xét, hủy bỏ lệnh kê biên 43 thửa đất mà CQĐT từng kê biên để công ty tiếp tục thực hiện dự án. Bởi từ khi bị khởi tố, dự án Metropolitan vẫn do Công ty An Khang là chủ đầu tư, đất vẫn do công ty quản lý. Hiện nay công ty vẫn đang mua thêm đất, đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, hoàn thành các thủ tục hành chính còn dang dở.          

HĐXX cho rằng sẽ xem xét vấn đề này và thông tin rằng biên bản kê biên của công an là 44 thửa đất, không phải 43.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm