Cứu người bị nạn hay bỏ mặc, vì đâu?

Việt Nam vốn là một xã hội “duy tình”, khi xem xét hành vi của ai đó thường được quy kết rằng đúng hay sai, có đạo đức hay không.

Cách nay mươi năm, khi một ai đó bị tai nạn thì chắc hẳn sẽ có người cứu giúp. Nhưng những năm gần đây, chuyển sang xã hội mà khi phán xét hành vi của ai đó thường căn cứ trên các luật định thì tình hình có chiều hướng phức tạp hơn.

Hậu cứu người là rắc rối, phiền hà

Nếu một ai đó gặp rủi ro như tai nạn giao thông (TNGT), điện giật, té vào ban ngày, người giúp đỡ trước sự chứng kiến của nhiều người thì chuyện khá đơn giản. Nhưng nếu điều đó xảy ra vào ban đêm và chỉ có một mình đối diện với người bị nạn thì trong tình huống như thế ở Việt Nam hiện nay rất khó phán xét.

Sẽ là thiếu thực tế nếu phán xét ngay rằng người đó là vô cảm, thiếu đạo đức. Thực tế cho thấy nhiều người rơi vào cảnh làm ơn mắc oán, bị vướng vào những chuyện rắc rối mà mình không lường trước được. Có người bị hành hung vì bị hiểu lầm là người gây tai nạn, có người bị lôi vào những vụ án phức tạp kéo dài hàng năm trời với tư cách là nhân chứng, hay đơn giản hơn là bị lưu giữ và phải khai báo rất phức tạp, mất thời gian.

Một câu chuyện có thật là một công dân thấy một người nằm bên vệ đường, anh ta đến lay người kia xem thế nào, rồi bỏ đi sau khi biết nạn nhân đã chết, dấu vân tay lưu lại trên cơ thể người chết làm cho anh ta dính vào vòng lao lý nhiều năm trời. Ngoài ra còn có thể kể ra vô vàn lý do khác nữa khiến người ta ngần ngại, chẳng hạn muốn giúp nhưng không có kỹ năng có thể làm cho người bị nạn nặng hơn, chưa kể là có người yếu bóng vía, sợ máu, sợ người chết…

Cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông khuya 25-6 ở quận Tân Phú khiến cô gái tử vong. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Điều cần làm: Gọi ngay cho cơ quan chức năng

Như vậy, vấn đề là ở chỗ làm sao mỗi quốc gia, mỗi TP cần tạo ra một phương thức hoạt động đơn giản và hiệu quả nhất mà ai cũng có thể tham gia tiếp cận trợ giúp ở khâu ban đầu. Phương thức ấy phải đảm bảo ai cũng làm được, từ trẻ em đến người già, mà khi làm nó thì không phải lo lắng bị phán xét là có đạo đức hay thiếu đạo đức, nhân đạo hay vô cảm, dũng cảm hay nhát gan.

Đó là một số điện thoại dễ nhớ, dễ tiếp cận và một lực lượng phản ứng nhanh, mạnh trong mọi tình huống. Khi đó người đi đường chỉ cần gọi đến số điện thoại ấy và lập tức, đội phản ứng nhanh xuất hiện để tiếp cận, xử lý mọi chuyện còn lại.

Ở các nước phát triển, khi bạn thấy một vụ cướp giật, một vụ tai nạn, một đám cháy thì cơ quan hữu trách không yêu cầu bạn phải nhảy vào can thiệp ngay. Việc đầu tiên mà họ yêu cầu là bạn phải ghi nhớ những thông tin quan trọng nhất như địa điểm, số xe, hình dạng, tình huống và gọi ngay vào số điện thoại khẩn cấp cho đơn vị chức năng, ví dụ ở Mỹ là 911, ở Nhật là 119.

Rất nhiều nước họ yêu cầu nếu bạn không có kỹ năng, sức khỏe thì không nên tham gia việc cứu hộ. Chẳng hạn bạn không biết bơi, không biết sơ cứu y tế, không biết tác chiến, không có dụng cụ bảo hộ phòng cháy thì đừng lao vào, vì có thể bạn sẽ bị thương, bị chết thiệt thân.

Điều bạn cần làm là cố gắng la to, báo cho mọi người biết, trong đó có gọi điện thoại. Thường sau vài phút nhận tin, lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp sẽ có mặt ngay tại hiện trường triển khai các nghiệp vụ cần thiết.

Lực lượng phản ứng nhanh cần chuyên nghiệp

Ở Việt Nam cũng có công tác trợ giúp nhưng hoạt động không hiệu quả do tính chuyên nghiệp chưa cao. Một ví dụ điển hình nhất là có rất ít người nhớ được tất cả số điện thoại khẩn cấp (111, 112, 113, 114 và 115) và mỗi số như thế sẽ hỗ trợ trong lĩnh vực cụ thể nào. Nếu gọi đúng thì bao lâu có phản hồi, nếu gọi cấp cứu TNGT vào số 114 (cứu hỏa) thì chắc sẽ không thành công.

Trong khi ở Mỹ, mọi chuyện được coi là bất thường ở bất cứ lĩnh vực nào, ở chỗ nào, chỉ cần gọi vào số 911 là ngay lập tức có phản hồi. Lực lượng cảnh sát ở Mỹ hoạt động rất chuyên nghiệp và thực hiện tất cả chức năng như giữ gìn trật tự an ninh, cứu hỏa, cứu thương, cứu hộ cứu nạn và các tình huống khẩn cấp khác.

Cách làm như thế rất dễ dàng cho người dân và cũng dễ dàng cho các cơ quan chức năng vận hành một cách nhanh chóng, tăng hiệu quả xử lý trường hợp khẩn cấp. Bất cứ khách nước ngoài nào bước chân đến Mỹ đều được khuyến cáo về con số 911, còn ở Việt Nam khách du lịch nước ngoài mỗi khi gặp sự cố không biết gọi cho ai, vào số nào ngoài việc ngơ ngác và khóc lóc.

Tích hợp các số khẩn cấp và phản ứng nhanh

Tại các TP lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đang xây dựng TP thông minh thì việc tích hợp số điện thoại khẩn cấp ở các lĩnh vực khác nhau chỉ trong một số duy nhất là điều hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề còn lại là làm sao xây dựng cho được một lực lượng phản ứng nhanh, linh hoạt, hoạt động rộng khắp, hiệu quả làm chỗ dựa tin cậy cho người dân.

Khi làm được như vậy thì bất cứ người dân nào cũng sẵn lòng làm cánh tay nối dài của lực lượng cứu hộ mà không cần phải kêu gọi thiện tâm. Còn những người gây ra hậu quả xấu mà bỏ mặc nạn nhân lại là một chuyện khác, lúc đó không còn là vô cảm nữa mà là tội ác và phải bị trừng trị theo luật định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm