Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phủ nhận trách nhiệm

Ngày 22-4, TAND TP Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm vụ án liên quan đến sai phạm của cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm tại khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.
Ông Vũ Huy Hoàng nói “không nhớ”
Theo cáo buộc, ông Vũ Huy Hoàng cùng bảy bị cáo khác có sai phạm trong việc chỉ đạo Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất nêu trên cùng tiền của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl, đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê”.
Hành vi trên dẫn tới hậu quả quyền quản lý, sử dụng khu đất bị chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng.
Trả lời tòa, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương nhiều lần nói sự việc liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng xảy ra đã rất lâu nên “không còn nhớ được nhiều, mong được thông cảm”.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng được dìu khi bước tới tòa. Ảnh: TP

Bị cáo khai từng có chín năm làm bộ trưởng Bộ Công Thương (tháng 7-2007 đến năm 2016), chịu trách nhiệm chung về hoạt động của bộ trước pháp luật, Đảng, Nhà nước và Chính phủ; làm công tác chiến lược, quy hoạch, nội chính. Với các thứ trưởng, họ được giao từng mảng phụ trách và chịu trách nhiệm trước bộ trưởng. Trong đó, cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đã bỏ trốn) được phân công phụ trách lĩnh vực công nghiệp nhẹ, bao gồm Sabeco.

“Tôi nhận nhiệm vụ bộ trưởng vào cuối năm 2007, khi Sabeco đã thành lập Sabeco Land. Theo phân công, tôi không phụ trách trực tiếp, đấy là nhiệm vụ của thứ trưởng phụ trách. Không phụ trách trực tiếp nên tôi chỉ nắm thông tin một cách không liền mạch, có hệ thống mà chỉ biết việc khi được báo cáo. Việc xảy ra đã lâu, tôi lại không trực tiếp phụ trách” - ông Hoàng nói.
Cũng theo bị cáo, khi ông nhận nhiệm vụ bộ trưởng thì Sabeco đã thành lập Sabeco Land. Theo phân công nhiệm vụ, ông không trực tiếp quản lý Sabeco nên chỉ nắm được thông tin khi thuộc cấp báo cáo.
Lần đầu tiên ông tiếp nhận thông tin liên quan Sabeco là vào năm 2013, khi bộ phận quản lý vốn ở đơn vị này gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư. “Tôi chỉ có duy nhất ý kiến vào văn bản này là Sabeco phải báo cáo bộ trước khi lựa chọn nhà đầu tư” - cựu bộ trưởng trình bày.
Ngoài ra, thời điểm năm 2014 ông rất bận với việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do nên nhiều văn bản dạng “nơi nhận” là gửi bộ trưởng để “biết” hoặc “để báo cáo” thì không kịp xem, chỉ biết khi cơ quan điều tra cho xem văn bản.
Phủ nhận cáo buộc về thẩm định giá
HĐXX truy vấn ông Vũ Huy Hoàng liên quan đến cáo buộc không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính.
Cựu bộ trưởng Bộ Công Thương nói rằng ngoài việc yêu cầu các bộ, ngành thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính, Chính phủ cũng chỉ đạo đối với một số dự án đang triển khai mà gặp khó khăn thì tìm cách tháo gỡ, giải quyết.
Việc triển khai dự án xây dựng trụ sở làm việc cho Sabeco thời điểm đó là rất cần thiết. Hằng năm, Sabeco phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để thuê văn phòng, việc xây trụ sở làm việc sẽ không chỉ có lợi cho đơn vị mà còn tiết kiệm cho chính ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai kéo dài, mãi đến năm 2016 mà dự án vẫn chưa thực hiện được theo kế hoạch. Chính phủ lại có yêu cầu về thoái vốn, không thể không thực hiện theo nên Sabeco đã chủ động đề xuất thay vì xây dựng trụ sở thì chuyển sang dự án quy mô nhỏ hơn, vừa sức hơn.
Tương tự, ông Hoàng cũng phủ nhận cáo buộc về việc chấp thuận kết luận định giá phần vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl thấp hơn giá trị thực tế. 
Theo lời bị cáo, ngày 29-3-2016, bị cáo có chủ trì cuộc họp liên quan đến thoái vốn của Sabeco. Sau cuộc họp, văn phòng có ra thông báo kết luận của bộ trưởng. Thông báo của cuộc họp được thể hiện qua nhiều văn bản.
Trong đó, vì “sợ diễn giải sai”, ông Hoàng yêu cầu sửa thông báo ban đầu, thay thế bằng thông báo mới, nêu rõ ông chỉ đưa ra mức giá sàn để tham khảo khi thoái vốn chứ không kết luận giá nào, đồng thời yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, thông báo mới này không được cơ quan điều tra ghi nhận.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...