Cục Kiểm lâm lên tiếng về vụ cưa gỗ khô bị tội

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, ngày 26-7, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm (lần hai) của TAND tỉnh Kon Tum tuyên năm công dân không phạm tội trộm cắp tài sản. Theo đó, ông Tuệ đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án trên, giữ nguyên phán quyết tuyên năm công dân phạm tội trộm cắp tài sản trong bản án hình sự sơ thẩm (lần hai) của TAND huyện Đắk Hà.

Chỉ có thể xử phạt hành chính

Về vụ án này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có văn bản hỏi Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) các nội dung sau: Hành vi của năm công dân vào rừng đặc dụng cưa cây gỗ trắc chết khô (thuộc nhóm IIA) với khối lượng 0,123 m3 (dưới 5 m3) có phải là khai thác rừng trái phép hay không, theo quy định nào, xử lý ra sao? Việc xử lý đối với cây gỗ trắc đã chết khô có khác gì so với cây gỗ trắc còn sống?

Sau khi nghiên cứu tài liệu báo cung cấp, ngày 16-8, ông Đỗ Quang Tùng (Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm) đã có công văn phúc đáp với các nội dung sau:

Do thời điểm xảy ra vi phạm khi BLHS 1999 đang có hiệu lực thi hành nên Cục Kiểm lâm thấy rằng theo quy định tại Nghị định 32/2006 của Chính phủ thì gỗ trắc thuộc danh mục các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA. Người có hành vi vi phạm khai thác rừng trái phép mà tang vật là các loại gỗ nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA (không phân biệt gỗ đã chết khô hay còn tươi, sống) trong rừng đặc dụng có thể áp dụng các quy định tại Điều 175 BLHS 1999 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng) và Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Trường hợp không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 157/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản).

Đối với hành vi khai thác gỗ trắc trái phép dưới 5 m3 trong rừng đặc dụng, việc xử phạt áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013 (đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA). Theo đó, phạt tiền 2-8 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái phép dưới 0,3 m3

Như vậy, với nội dung trả lời của Cục Kiểm lâm, có thể thấy hành vi cưa cây gỗ trắc chết khô trong rừng đặc dụng của năm công dân có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS 1999. Tuy nhiên, do khối lượng gỗ trắc năm công dân này khai thác trái phép dưới 5 m3 (0,123 m3) nên chưa đủ định lượng để xử hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính đối với họ theo Nghị định 157/2013, cụ thể là phạt tiền 2-8 triệu đồng.

Năm công dân vẫn đang miệt mài đi kêu oan. Ảnh: NN

“Kháng nghị của TAND Tối cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bốn luật sư (LS) trợ giúp pháp lý miễn phí cho năm công dân gồm LS Nguyễn Thị Kim Vinh, LS Lê Văn Hoan, LS Nguyễn Thành Công (cùng là thành viên Đoàn LS TP.HCM) và LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) cho biết đã gửi rất nhiều kiến nghị tới các cơ quan chức năng.

“Theo tôi, chánh án TAND Tối cao cần rút ngay kháng nghị giám đốc thẩm trong vụ án bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đường lối xét xử sau này của các tòa chứ không riêng gì quyền lợi của năm công dân. Chúng ta phải có đường lối xử lý thống nhất chứ không thể cùng một hành vi, nơi xử lý tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, nơi khác lại xử lý tội trộm cắp tài sản” - LS Vinh nói.

Đồng tình, LS Hoan bổ sung: Kháng nghị này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Bởi nếu xử hành vi khai thác trái phép gỗ trong rừng đặc dụng về tội trộm cắp tài sản theo kháng nghị thì tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS 1999 (Điều 232 BLHS 2015 hiện nay) sẽ bị vô hiệu hóa. “Nếu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị của TAND Tối cao thì những vụ án trước đây đang thụ lý và sau này sẽ phải xử lý như thế nào? Tôi vẫn có niềm tin về công lý nên sẽ đeo bám vụ án tới cùng” - LS Hoan nhấn mạnh.

LS Công cũng cho biết: “Tôi đã đọc thật kỹ nội dung kháng nghị để xem cơ sở pháp lý của kháng nghị ra sao. Tuy nhiên, lãnh đạo TAND Tối cao lại chỉ nhận định chung chung rằng tòa án cấp phúc thẩm “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” để yêu cầu hủy án phúc thẩm, chấp nhận án sơ thẩm. Do đó, quyết định kháng nghị hoàn toàn không thuyết phục”.

Theo LS Công, với quan điểm của Cục Kiểm lâm, các LS như được tiếp thêm sức mạnh và có niềm tin trên con đường tìm công lý cho năm công dân. “Rất khó khăn nhưng công lý có thật. Chúng tôi kiên định và có niềm tin sắt đá ấy!” - LS Công quả quyết.

“Chúng tôi sẽ quyết tâm làm tất cả những gì có thể, không chỉ đơn thuần nhằm gỡ tội cho năm công dân này mà điều quan trọng hơn là pháp luật phải được thực thi một cách chuẩn xác” - LS Quân khẳng định.

Hình sự hóa vi phạm hành chính

Như Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, Dũng đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên năm bị cáo không phạm tội. Tại phiên xử, HĐXX chấp nhận toàn bộ lời bào chữa của các LS. Theo đó, theo Thông tư liên tịch số 19/2007, chỉ có thể xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS 1999) khi cây gỗ trắc các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo cưa gỗ trắc là rừng đặc dụng nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội trộm cắp tài sản là không có căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, nếu xem xét xử lý các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS 1999) thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3) nên chưa đủ định lượng để khởi tố. Việc các bị cáo cưa cây gỗ trắc dù đã chết khô rõ ràng có vi phạm nhưng sai đến đâu thì xử lý đến đó chứ không thể hình sự hóa vi phạm hành chính...

Năm người dân lặn lội kêu oan dù chỉ có một tia hy vọng
Cho tới thời điểm này, cả năm công dân cho biết vẫn chưa ai nhận được quyết định kháng nghị của TAND Tối cao mà chỉ nắm được qua thông tin từ báo chí và luật sư.

Kiểm lâm Phan Tiến Dũng kể cả nhà anh đang ăn cơm trưa thì nhận được cuộc điện thoại của luật sư báo rằng bản án phúc thẩm bị lãnh đạo TAND Tối cao kháng nghị yêu cầu xử có tội trở lại. Giây phút ấy, anh như muốn rụng rời tay chân, không nói được gì.

Đắn đo mãi, các anh quyết định bỏ việc nương rẫy, bắt xe đò ra Hà Nội, Đà Nẵng thuê nhà trọ ở để gõ cửa TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ NN&PTNT, Trụ sở tiếp công dân Trung ương, VKSND Cấp cao Đà Nẵng, TAND Cấp cao Đà Nẵng… với mong muốn vụ án của mình được giải quyết theo đúng pháp luật.

Cục Kiểm lâm lên tiếng về vụ cưa gỗ khô bị tội ảnh 2
Năm công dân cầm đơn ra Hà Nội gõ cửa các cơ quan chức năng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ban đầu gia đình các anh cũng do dự, không biết ra Hà Nội và Đà Nẵng có được gì không, lại thêm tốn kém đủ thứ, trong khi đó vợ của anh Nguyễn Văn Bảy vừa nuôi con nhỏ lại đang mang thai, còn vợ anh Lê Quốc Khánh thì sắp sinh. Nhưng rồi vì những cháu nhỏ của năm gia đình, các anh quyết tâm đi cho dù chỉ có một tia hy vọng. Đang gõ cửa TAND Tối cao thì hay tin vợ anh Khánh phải nhập viện cấp cứu. Khổ trăm bề!

Anh Bảy vài ba hôm lại gọi điện thoại cho chúng tôi, giọng buồn rầu, mệt mỏi: “Dần dần mất niềm tin, nếu tôi phải đi tù thì chỉ lo cho vợ mang thai và con nhỏ không biết sống sao. Mấy hôm tôi đi cầu cứu cứ phải nhờ bà con lối xóm ở nhà chở vợ đi bệnh viện”.

“Giờ thì cũng chỉ biết cố gắng thôi chứ chẳng biết sao cả. Biết tin chúng tôi bị yêu cầu phải xử lý có tội, họ hàng và bà con lối xóm cứ qua trách “tại tụi bay đi khiếu nại đòi bồi thường oan nên mới bị xử lý lại đó” - anh Dũng nghẹn lời khiến cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm