Cứ giấy trắng mực đen là thắng kiện

TAND TP.HCM vừa tuyên sửa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn NTTG, buộc bị đơn HTTT phải trả 162 triệu đồng theo hợp đồng vay tiền ngày 1-3-2014. Vụ án gây chú ý vì nhận định của các cấp tòa có sự khác nhau khi một bên nói có nợ, bên kia thì bảo không vay, dù có hợp đồng rõ ràng.

Một hay hai khoản nợ?

Theo hồ sơ, tháng 7-2014, bà G. nộp đơn khởi kiện ra TAND quận 9 đòi bà T. phải trả 162 triệu đồng. Bà G trình bày: Hai bên lập hợp đồng vay nợ ký ngày 1-3-2014 với thời hạn ba tháng. Tuy hợp đồng không ghi mức lãi suất nhưng có thỏa thuận miệng là 5%/tháng. Từ khi vay đến khi bà khởi kiện, bà T. chưa trả gốc lẫn lãi. Vì số tiền này bà chỉ cho bà T. vay nên không yêu cầu chồng bà T. có trách nhiệm liên đới, bà cũng rút lại yêu cầu tính lãi trong hạn và quá hạn với món nợ này.

Ngược lại, phía bà T. cho rằng trưa 30-4-2014, bà G. đến nhà bà yêu cầu ký hai hợp đồng vay tiền với mục đích là chốt lại các khoản nợ gồm 8 triệu đồng của hợp đồng vay ngày 6-3-2014 và 50 triệu đồng của hợp đồng vay ngày 31-3-2014. Sau đó, bà G. có đưa thêm 2 triệu đồng nữa là đủ 60 triệu đồng. Hợp đồng này không ghi thời hạn vay, lãi suất nhưng có thỏa thuận miệng là 12%/ tháng. Đối với hợp đồng bà giữ thì bà G. ghi rõ số tiền vay bằng chữ và bằng số 60 triệu đồng, có chữ ký của vợ chồng bà. Còn hợp đồng bà G. giữ thì bà thấy bà G. để trống nhưng do bận công việc vội nên bà ký trước. Bà có yêu cầu chồng xem lại hợp đồng rồi ký nhưng do hợp đồng không ghi số tiền vay và ngày tháng cụ thể nên chồng bà không ký. Chồng bà có yêu cầu bà G. ghi đầy đủ nhưng bà G. cầm hợp đồng bỏ về. Bà đã trả đủ lãi hai tháng 5 và 6-2014 là 7,8 triệu đồng. Tháng 7-2014, bà trả thêm 2,94 triệu đồng nữa rồi không có khả năng trả. Tuy nhiên, khi trả lãi, bà không lập giấy tờ.

Đặc biệt, bà T. nói trong hợp đồng ngày 30-4-2014, bà G. có ghi rõ “giấy tháng cũ không còn hiệu lực, đã làm giấy mới thay thế”. Như vậy, cả hai bên đã thống nhất trả, hủy bỏ các hợp đồng vay trước. Nay bà chỉ đồng ý trả 60 triệu đồng tiền gốc theo hợp đồng này chứ không chịu trả 162 triệu đồng như nguyên đơn đòi.

Phía bà G. phản đối và cho rằng món nợ 60 triệu đồng mà bị đơn đưa ra là khoản bà T. vay giúp cho nhà chồng (ban đầu là 8 triệu đồng, có hợp đồng, sau thêm 52 triệu đồng nữa, cộng dồn thành số 60 triệu đồng và lập thành hợp đồng vay ngày 30-4-2014). Như vậy, hợp đồng vay này là một hợp đồng khác, không liên quan đến hợp đồng vay mà bà khởi kiện trong vụ án này. Với khoản vay 60 triệu đồng mà bà T. đưa ra, bà sẽ khởi kiện thành một vụ án khác.

Tòa dưới bác, tòa trên chấp nhận

Xử sơ thẩm, TAND quận 9 đã bác yêu cầu đòi nợ nên nguyên đơn kháng cáo. Theo đó, bà cho rằng cấp sơ thẩm đã nhập nhằng hai khoản nợ của hai hợp đồng vay khác nhau để bác yêu cầu của bà.

Tại phiên phúc thẩm, VKS cũng đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm với lập luận hợp đồng vay ngày 30-4-2014 mà bị đơn trình bày ở góc phải có hai hàng chữ bà G. ghi “giấy tháng cũ không có hiệu lực” và “đã làm giấy mới thay thế”.

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm nhận định nguyên đơn thừa nhận lời khai của bị đơn về khoản vay 60 triệu đồng (hợp đồng ngày 30-4-2014), hai bên cũng thống nhất với khoản vay này, vợ chồng bà T. chưa trả vốn và bà G. không kiện đòi khoản tiền này nên tòa sơ thẩm không xét là đúng. Còn với hợp đồng vay 162 triệu đồng ngày 1-3-2014 mà nguyên đơn xuất trình khởi kiện thì có ghi rõ được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Nhưng bị đơn - bà T. - lại không xuất trình được bản hợp đồng nào giống như nguyên đơn đã đưa ra. Bà T. khai là bà G. tự ý ghi số tiền và ngày tháng vào hợp đồng nhưng không chứng minh được. Bà T. phủ nhận khoản vay 162 triệu đồng nên trong vụ án này hai bên tranh chấp là có hay không có vay khoản tiền 162 triệu đồng chứ không phải tranh chấp về việc có vay nhưng đã trả rồi hoặc chưa trả. Do đó cần xét xem hợp đồng này, hình thức và nội dung có vi phạm luật hay trái đạo đức xã hội hay không.

Theo tòa, hợp đồng này có thể hiện người vay, người cho vay, số tiền, thời hạn vay, trách nhiệm của các bên, phía dưới có chữ ký hai bên và dấu lăn tay của bị đơn (người vay). Cả hai bên đều có năng lực hành vi dân sự, mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội... Từ đó, tòa không chấp nhận quan điểm của VKS mà chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn nên sửa án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 162 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm