Cự cãi nhau, kiện tổ trưởng tổ dân phố đòi bồi thường

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa hai phụ nữ là hàng xóm của nhau.

Kiện vì chuyện cự cãi từ bốn năm trước

Trước đó, tháng 3-2017, bà T. khởi kiện ra TAND quận 6, trình bày rằng tối 20-1-2013, bà ra sân tưới cây thì bị chồng của bà M. (tổ trưởng tổ dân phố) chửi. Bà T. chửi lại, nói nếu muốn đánh bà thì qua nhà mà đánh. Bà M. liền bảo con trai, con dâu chạy qua đánh bà. Khi con trai, con dâu bà M. bước qua thì anh bà T. mở cửa ra nhìn nên họ bỏ về.

Sau đó bà M. đứng trước miếu giữa đường, chửi bà: “Mày là con hồ đồ, mất dạy”… Chửi xong, bà M. vừa chạy về hướng trụ sở UBND phường vừa nói: “Nó lấy người ta rồi”. Khi đó có bà ĐTBH, nhà ở gần đó, có nghe sự việc. Một lát sau, bà M. chạy trở về nhà, tiếp tục nói: “Nó lấy người ta rồi”…

Theo bà T., bà M. đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà nên yêu cầu tòa buộc bà M. xin lỗi công khai bà trước tổ dân phố, bồi thường thiệt hại về danh dự 100 triệu đồng và bồi thường tổn thất tinh thần 125 triệu đồng.

Bị kiện, bà M. nói trình bày của bà T. không đúng sự thật.

Theo bà M., khoảng năm 2012 hay 2013, do bà T. nói nhà bà bỏ rác qua miếu gần đó nhưng thực tế không có nên đôi bên có cự cãi. Trong lúc nóng giận, bà có to tiếng nhưng không dùng lời lẽ thô tục. Việc bà T. nói con trai, con dâu bà qua đánh bà T. là không có.

Sau đó, bà T. làm đơn gửi UBND phường. Phường có tổ chức họp tổ dân phố để hòa giải. Trong cuộc họp đó, anh bà T. đã dùng những lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà như “mày thua mấy con gái đứng đường, đứng cột đèn”. Bà đã cố nhịn để sự việc qua nhanh vì lãnh đạo ban ngành, đoàn thể khuyên bà bình tĩnh. Từ đó đến nay, giữa đôi bên không xảy ra chuyện gì nữa.

Bà M. còn khai rằng bà T. là người “hay đi thưa kiện và dùng lời lẽ thô tục với người xung quanh”.

Lời khai của ba người làm chứng

Để làm rõ sự thật, tòa đã lấy lời khai của ba nhân chứng là hàng xóm của hai bên.

Bà H. (người mà bà T. có nhắc tên trong đơn kiện) khai không chứng kiến sự việc xảy ra, không nghe, không biết nội dung cự cãi giữa bà T. và bà M. Một nhân chứng khác thì khai có nghe thấy tiếng cự cãi giữa hai bên nhưng không rõ nội dung mâu thuẫn và lời lẽ cụ thể.

Nhân chứng còn lại là một cụ ông, khai khoảng năm 2015 hay 2016, ông đang ăn cơm thì nghe bà T. và bà M. cự cãi nhau. Ông bước ra, chứng kiến bà M. có lời lẽ thô tục với bà T. như “bà T. lấy người ta tùm lum”, sau đó bà M. ra đứng trước miếu, vừa giang chân vừa nói về việc vợ chồng bà M. “quan hệ trong phòng the” rồi nói bà T. “ghen à?”.

Ra tòa, cụ ông này khai thấy bà M. là tổ trưởng tổ dân phố nhưng có những lời lẽ thô tục, phản cảm, không đúng chuẩn mực nên ông có làm đơn phản ảnh gửi cho UBND phường đề ngày 22-1-2013. Ông lý giải: Ban đầu khai sự việc xảy ra khoảng năm 2015, 2016 là do tuổi cao, nhớ không rõ thời gian nhưng ông khẳng định có chứng kiến việc bà M. xúc phạm bà T. Trong buổi hòa giải của phường, ông từng yêu cầu ủy ban nhắc nhở, góp ý bà M…

Hai cấp tòa đều bác đơn

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND quận 6 cuối năm 2017, bà T. rút một phần yêu cầu khởi kiện. Theo đó, bà chỉ yêu cầu bà M. xin lỗi công khai trước tổ dân phố và bồi thường tổn thất tinh thần 37,5 triệu đồng (10 tháng lương cơ bản).

Trước tòa, bà T. tiếp tục cho rằng bà M. đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà khi dùng những lời lẽ như “mày lấy người ta tác hoác rồi”, “thằng nào cũng lấy mày hết”, “nó lấy trai rồi”, “nó lấy người ta rồi”, “mày lấy ai tự mày biết”… Bà thấy nhục nhã với người dân ở khu phố, không dám nhìn mặt ai, mắc cỡ với những người ở trường nơi bà làm việc và phải chuyển đi nơi khác làm có thu nhập thấp hơn.

Theo TAND quận 6, có hai người làm chứng khai không biết nội dung cự cãi giữa bà T. và bà M. Người làm chứng còn lại khai có chứng kiến việc bà M. có lời lẽ thô tục với bà T. nhưng lời khai của ông không phù hợp với lời khai của bà T. nên không phải là chứng cứ chứng minh cho nội dung trình bày của bà T. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà T. trình bày về lời lẽ của bà M. không thống nhất với nhau.

Cạnh đó, theo biên bản họp của UBND phường, giữa bà T. và bà M. có xảy ra cự cãi với lỗi của cả hai bên do không kiềm chế được cơn giận. Cả hai đều nhìn nhận lỗi của mình, đặc biệt bà M. là tổ trưởng tổ dân phố mà hành động, ăn nói không thận trọng. Biên bản không thể hiện việc bà M. có hành vi xúc phạm bà T.

Từ đó, TAND quận 6 kết luận không có chứng cứ chứng minh việc bà T. bị bà M. xúc phạm danh dự, nhân phẩm cũng như bị tổn thất tinh thần, do đó không có căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Bà T. kháng cáo. Xử phúc thẩm mới đây, TAND TP.HCM nhận thấy tòa sơ thẩm xét xử có căn cứ, đúng pháp luật nên bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nên chủ động thu thập chứng cứ

Trao đổi, một số chuyên gia cho biết hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như dùng lời nói, dùng chữ viết, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, lên mạng Internet, diễn ra ở nơi công cộng, trong gia đình…

Pháp luật dân sự hiện hành không hề có điều khoản nào định nghĩa rõ ràng thế nào là hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Do đó, cá nhân khi cho rằng mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì cần thu thập chứng cứ, lưu giữ hình ảnh, tài liệu, nhờ người làm chứng, thậm chí có thể đề nghị thừa phát lại lập vi bằng và trình báo cho các cơ quan như công an, ủy ban địa phương. Các cơ quan này sẽ xem xét hòa giải hoặc lập biên bản vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng có thẩm quyền nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm. Người bị xúc phạm cũng có thể nộp đơn khởi kiện dân sự cho tòa án yêu cầu người xúc phạm phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm