CSGT đòi cà vẹt xe để làm gì?

Theo các NH thì họ cần phải giữ cà vẹt xe để được đảm bảo khả năng thu hồi nợ, phòng tránh chủ xe tự ý thế chấp hay bán xe… cho người khác. Việc giữ giấy như thế đã được họ và khách hàng thống nhất thực hiện từ lâu, đồng thời cũng được BLDS 2005, 2015 cho phép.

Ngược lại, Cục CSGT - Bộ Công an cho rằng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 bắt buộc mọi người lái xe đều phải mang theo cà vẹt xe. Cạnh đó, hai nghị định về giao dịch bảo đảm (163/2006 và 11/2012) cũng không đồng ý cho bên nhận thế chấp giữ cà vẹt xe. Và như vậy, hành vi lái xe với bản sao cà vẹt xe có xác nhận của NH nhận thế chấp bị xem là vi phạm nên có thể bị xử phạt.

Một câu hỏi không thể không đặt ra ngay: NH có lý do chính đáng để giữ cà vẹt xe thế chấp, còn CSGT đòi bản chính giấy này để làm gì?

So với Luật GTĐB cũ chỉ yêu cầu người lái xe phải mang theo một giấy duy nhất là giấy phép lái xe thì Luật GTĐB 2008 buộc các tài xế phải mang đến bốn loại giấy, trong đó có cà vẹt xe. Tại sao có sự tăng lên này? Tờ trình của Chính phủ khi đệ trình dự thảo luật cho Quốc hội xem xét ban hành chỉ nêu ngắn gọn là để đáp ứng yêu cầu quản lý, nâng các quy định của nghị định xử phạt về giao thông có hiệu lực lúc bấy giờ thành luật.

Gần đây, có ý kiến cho biết cơ quan công an dùng cà vẹt xe để phục vụ việc xác định nguồn gốc xe, nhất là khi có tai nạn giao thông… Ừ thì cứ cho là vậy đi nhưng giấy này mười mươi liên quan đến quyền sở hữu tài sản của dân và không liên quan trực tiếp đến việc lưu thông xe. Thay vì khăng khăng đòi bản chính làm cản trở quyền định đoạt tài sản của người dân, cớ gì CSGT không chấp nhận bản sao (được bên nhận thế chấp xác nhận) để trọn vẹn đôi đàng?

Chưa kể, hai nghị định giao dịch bảo đảm có nội dung trái với BLDS 2015 khi bác bỏ quyền giữ cà vẹt xe của các NH, lý gì Cục CSGT cứ áp dụng?

Sự cố đang xảy ra chỉ là thêm một đơn cử cho thấy pháp luật khi xây dựng thì có sự chồng chéo, khi thực thi chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng gây khó cho những đối tượng bị tác động.

Trước mắt, trong khi chờ Luật GTĐB 2008 cùng hai nghị định về giao dịch bảo đảm được sửa đổi để không tiếp tục gây ra những xung đột tương tự với BLDS 2015, Bộ công an có thể xem xét cho người lái xe đang thế chấp được tạm sử dụng bản sao cà vẹt xe. Có vậy thì những đòi hỏi không phù hợp với thực tế cuộc sống mới không gây ra những tổn thất lớn cho xã hội.

Chênh lệch khá lớn giữa hai cách phạt

Theo cảnh báo của NH Nhà nước Việt Nam tại Công văn số 3851 ngày 24-5-2017, việc điều khiển xe với bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của NH nhận thế chấp có thể bị xử phạt lỗi “không có giấy đăng ký xe”. Nếu thực sự vậy thì mức phạt khá cao theo quy định của Nghị định 46/2016 (2-3 triệu đồng đối với ô tô, ngoài ra người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng; 300.000-400.000 đồng đối với xe máy).

Trường hợp CSGT quyết định xử phạt lỗi “không mang theo giấy đăng ký xe” vì sự thực xe có giấy đăng ký chứ không phải không có thì mức phạt thấp hơn (200.000-400.000 đồng đối với ô tô; 80.000-120.000 đồng đối với xe máy).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm