Công chức làm sai, Nhà nước phải trả lại tiền phạt

TAND TP.HCM vừa xử vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Sơn với người bị kiện là chủ tịch UBND quận Bình Tân. Ông Sơn yêu cầu tòa tuyên xử hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND quận này.

Đã tháo dỡ phần sai phép và nộp phạt

Trong đơn kiện, ông Sơn trình bày khoảng tháng 8-2017, ông hoàn tất thủ tục hoàn công căn nhà ở đường Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Liền sau đó ông xây tiếp tường hai bên làm cổng, làm sân và có đổ mái bê tông giả.

Ngày 19-3-2018, công chức địa chính phường Bình Trị Đông A lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông vì phần tường rào và cổng xây dựng không phép. Ngày 26-3-2018, chủ tịch UBND quận Bình Tân ra quyết định xử phạt ông 25 triệu đồng và buộc tháo dỡ phần xây không phép.

Ông thừa nhận phần đổ mái bê tông giả không được cấp phép và có một phần vi phạm ranh lộ giới nhưng hầu như trên địa bàn quận đều xây dựng như vậy. Tuy nhiên, dù ông làm xong từ tháng 8-2017 nhưng bảy tháng sau đó cán bộ mới tới lập biên bản vi phạm. Biên bản cũng không ghi thời gian vi phạm.

Mặt khác, quyết định xử phạt vi phạm hành chính do ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, ký nhưng không ghi chức vụ, không ghi “KT”. Biên bản và quyết định xử phạt không ghi cơ quan chủ quản. Trong hạn năm ngày làm việc, UBND quận Bình Tân cũng không mời ông đến trình bày và ghi nhận ý kiến về sai phạm của ông theo quy định.

Tháng 5-2018, căn nhà này đã có chủ mới. Thời điểm ông Sơn chuyển nhượng căn nhà này cho người mua thì phần xây dựng bị xử phạt vẫn còn tồn tại nhưng hiện nay đã bị cưỡng chế và tháo dỡ. Số tiền nộp phạt theo quyết định đã thực hiện xong nên chủ mới không có ý kiến gì về vụ kiện này.

Phía người bị kiện, chủ tịch UBND quận Bình Tân cho rằng việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Sơn là đúng trình tự, thủ tục quy định tại điểm b khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017. Do đó, người bị kiện cho rằng không có cơ sở xem xét hủy quyết định này theo yêu cầu của ông Sơn.

Phải trả lại tiền nộp phạt cho dân vì phạt sai

Tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Sơn.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định: Ông Sơn có vi phạm và bị xử phạt là đúng. Tuy nhiên, biên bản không ghi thời gian vi phạm là trái với khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến không xác định được thời gian thực hiện hành vi vi phạm. Người bị kiện cho rằng hành vi vi phạm xảy ra ngay tại thời điểm lập biên bản nhưng không có chứng cứ chứng minh.

Do không xác định được thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, chủ tịch UBND quận Bình Tân xử phạt theo Nghị định 139/2017 là trái pháp luật, cần hủy phần xử phạt. Theo Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng (quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017) thì “…Trường hợp hết thời hiệu xử phạt thì không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ”.

Tại tòa, phía người bị kiện đưa ra quyết định mới có bổ sung chức vụ của người ký quyết định. Tuy nhiên, việc bổ sung này vừa không cần thiết vừa vi phạm thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung...

Từ đó HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Sơn, hủy phần xử phạt tiền trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hủy quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND quận Bình Tân.

Đến nay, bản án đã có hiệu lực pháp luật do không có kháng cáo, kháng nghị. Và như vậy ông Sơn phải được trả lại tiền nộp phạt 25 triệu đồng.

Hoàn trả tiền phạt thu không đúng

Điều 6 Thông tư 153/2013 của Bộ Tài chính quy định việc hoàn trả tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức tại khoản 1 điều này được hoàn trả số tiền phạt thu không đúng trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại hoặc từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm