Công an viên đánh chết dân đã bị xử tội nặng hơn

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Hùng đã chủ động mang tiền hỗ trợ cho gia đình bị hại 100 triệu đồng. Tại phiên tòa hôm nay (9-8), VKSND huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đề nghị tòa phạt Hùng 7-8 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, gia đình bị hại đã xin tòa cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ.
Cuối cùng, TAND huyện Krông Năng đã tuyên phạt bị cáo Lê Viết Hùng năm năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS 1999.
Được biết trước khi bị Tòa Cấp cao kháng nghị, bị cáo Hùng đã đi thi hành xong hình phạt ba năm tù về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (vì cải tạo tốt nên được giảm án). Do đó, lần này bị cáo sẽ phải đi thi hành án thêm 2,5 năm tù.

Bị cáo Lê Viết Hùng đã hỗ trợ cho gia đình bị hại 100 triệu đồng. Ảnh: NGÂN NGA

Báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phân tích, cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Theo hồ sơ, hơn 12 giờ đêm 3-7-2014, anh Trương Quốc Long nghe có tiếng động, nghi ngờ ông Nguyễn Hữu Thâu vào nhà lấy trộm sắt nên anh Long đuổi theo và bắt được ông Thâu. Sau đó, công an viên Lê Viết Hùng đã neo giữ ông Thâu lấy lời khai và đánh đập, đến sáng thì ông Thâu bị hôn mê sâu và tử vong.

Ban đầu, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố Hùng về tội giết người, sau chuyển sang tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (khoản 1 Điều 97 BLHS) và chuyển vụ án về cơ quan tố tụng huyện Krông Năng theo thẩm quyền.
TAND huyện này nhận định Hùng có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích (khoản 3 Điều 104, mức án nặng hơn tội làm chết người trong khi thi hành công vụ) nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKSND huyện vẫn bảo lưu quan điểm. Do giới hạn xét xử (tòa không được xử tội nặng hơn VKS truy tố) nên tòa này vẫn xử Hùng tội đã truy tố và phạt bị cáo ba năm tù. Gia đình bị hại kháng cáo vì cho rằng bị cáo phạm tội giết người.
Tháng 6-2016, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Lê Viết Hùng ba năm tù về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại gần 100 triệu đồng. Đồng thời tòa này kiến nghị cấp giám đốc thẩm hủy án của chính mình để điều tra, xét xử lại do giới hạn xét xử.
Năm 2017, chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Ủy ban Thẩm phán xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Theo kháng nghị, bị cáo Lê Viết Hùng có hành vi dùng tay tát, đánh ông Thâu trong khi ông Thâu chỉ là đối tượng tình nghi có hành vi trộm cắp tài sản. Ông Thâu cũng không có hành vi chống trả, cản trở hay bỏ trốn nên đây không thuộc trường hợp được sử dụng vũ lực của công an xã mà thể hiện sự hống hách, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Hậu quả do hành vi của Lê Viết Hùng gây ra không thuộc trường hợp đang thi hành công vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm