Công an cấm nữ nhà báo xuất cảnh là không phù hợp

Vụ việc Công an TP Đà Nẵng ra yêu cầu cấm xuất cảnh đối với nhà báo Dương Thị Hằng Nga (Trưởng Văn phòng đại diện tạp chí Giao Thông Vận Tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên) chỉ vì bị tố cáo về các bài báo đã đăng đã lộ ra kẽ hở của việc thực hiện pháp luật. Các chuyên gia cho rằng nếu không có hướng dẫn cụ thể thì sẽ có nhiều trường hợp tương tự, bị cấm xuất cảnh mà không hay biết.

Cấm đoán không đúng

Trả lời Pháp Luật TP.HCM ngày 1-11, Đại tá Trần Đình Liên, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết cơ sở để công an cấm xuất cảnh nhà báo Hằng Nga là Điều 21 Nghị định 136/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 94/2015) và Thông tư 21/2011 của Bộ Công an (về trình tự chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh...).

Trong đó, khoản 1 Điều 21 Nghị định 136 quy định: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm”. Nhà báo Hằng Nga chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên công an chỉ có thể dựa vào lý do: Có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

Luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Ngày 5-5, Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn tố giác tội phạm liên quan đến nhà báo Hằng Nga. Theo quy định tại Điều 103 BLTTHS 2003 thì thời hạn để xử lý đơn tố giác tội phạm là không quá hai tháng. Như vậy, tính đến ngày 5-8 (ngày bà Nga làm thủ tục xuất cảnh) đã là ba tháng, quá thời hạn xác minh.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định hoạt động điều tra được thực hiện kể từ khi tiếp nhận xử lý tin tố giác tội phạm. Ở giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, xác minh thông tin tố giác, khi nào kết quả cho thấy có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án. Từ lúc khởi tố vụ án thì các hoạt động điều tra tội phạm mới được tiến hành.

Nhà báo Hằng Nga. Ảnh do nhân vật cung cấp

Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VKSND Tối cao (về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố) cũng thể hiện giai đoạn này chỉ là kiểm tra và xác minh, không quy định việc điều tra.

LS Hoan nói: “Việc công an chưa khởi tố vụ án nhưng lại ngăn chặn việc xuất cảnh của nhà báo Hằng Nga là chưa đúng. Có thể các cơ quan bảo vệ pháp luật không ngăn chặn thì sợ bỏ lọt tội phạm, mà ngăn chặn thì không đúng với nguyên tắc suy đoán vô tội”.

Chưa rõ có vi phạm hình sự hay không

Theo TS Cao Vũ Minh (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), cần có cách áp dụng pháp luật thống nhất và không chấp nhận sự lạm quyền. BLTTHS quy định điều tra là một giai đoạn của tố tụng hình sự và nó được tiến hành sau giai đoạn khởi tố. Nếu chưa bị khởi tố bị can thì nhà báo Hằng Nga không thể rơi vào trường hợp bị cấm xuất cảnh vì lý do có liên quan công tác điều tra tội phạm.

Mặt khác, bà Nga và tạp chí Giao Thông Vận Tải bị hai công ty và một cá nhân tố cáo, đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm liên quan đến các bài viết mà họ cho là sai sự thật. Nếu chỉ đơn thuần cho rằng bài báo có những thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân người tố cáo thì hành vi này chỉ cấu thành vi phạm hành chính. Vì nó liên quan đến hoạt động được quy định tại Điều 8 Nghị định 159/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Hành vi này có thể chỉ bị xử phạt hành chính với các chế tài tương ứng, chưa chắc đã có vi phạm hình sự. Vì thế, việc Công an TP Đà Nẵng áp dụng quy định trên để cấm bà Nga xuất cảnh là vội vàng, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến bà Nga.

“Muốn cấm xuất cảnh thì công an phải chỉ rõ nhà báo Hằng Nga có phải là người đang bị khởi tố không, có liên quan đến một vụ án hình sự hay không… Những vấn đề này phải thể hiện bằng văn bản rõ ràng, cụ thể trong từng vụ việc” - LS Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) nói.

Theo LS Nghiêm, việc bị cấm xuất cảnh liên quan đến quyền con người, nếu áp dụng không chuẩn sẽ gây ra hậu quả lớn. Nếu không xác định rõ tư cách tố tụng của bà Nga mà lại cấm xuất cảnh thì là lạm quyền, phải thu hồi quyết định trên. Sau này kết quả xác minh đơn tố giác tội phạm cho thấy bà Nga không liên quan đến vấn đề hình sự thì bà có thể khởi kiện yêu cầu công an bồi thường thiệt hại vì bị áp dụng pháp luật sai.

Không gửi thông báo cho bà Nga là sai

Công an TP Đà Nẵng không thông báo lệnh cấm xuất cảnh cho nhà báo Hằng Nga với lý do áp dụng khoản 3 Điều 22 Nghị định 136/2007: Cơ quan nào ra quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông tin bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.

Theo TS Cao Vũ Minh, công an không gửi thông báo cấm xuất cảnh cho nhà báo Hằng Nga với lý do trên là chưa đúng. Vì quan hệ giữa bà Nga và tòa soạn tạp chí Giao Thông Vận Tải với nơi tố cáo không liên quan đến lý do an ninh nên không thể vin vào cớ này không gửi thông báo cấm xuất cảnh.

Còn nếu không gửi vì lý do đảm bảo cho công tác bí mật điều tra tội phạm thì càng không thỏa đáng vì như đã phân tích, bà Nga chưa bị khởi tố để dẫn đến giai đoạn bị điều tra tội phạm. Mặt khác, đối tượng bị cấm xuất cảnh không chỉ là người có dấu hiệu phạm tội đang bị điều tra mà còn là người liên quan, người làm chứng, người có nghĩa vụ thi hành án... Họ phải được thông báo quyết định chặn xuất cảnh.

Ông Vũ Phi Long (cựu Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho rằng công an đã vi phạm thủ tục áp dụng khi không thông báo quyết định cấm xuất cảnh cho nhà báo Hằng Nga để bà thực hiện quyền khiếu nại vì nó liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Ngoài ra, bà Nga cũng cần biết thông tin để sắp xếp công việc cá nhân, tránh bị thiệt hại kinh tế.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 5-8, nhà báo Hằng Nga làm thủ tục xuất cảnh đi Myanmar tại sân bay Tân Sơn Nhất thì bị công an cửa khẩu lập biên bản với lý do là người thuộc diện chưa được xuất cảnh theo đề nghị của Công an TP Đà Nẵng. Công an cửa khẩu mời bà vào phòng kín lập biên bản, trả lại hành lý, buộc phải quay về trước sự ngờ vực của cả đoàn du lịch đi cùng. Bà Nga cho biết quá bất ngờ vì trước đó không nhận được thông báo của công an trong khi bà đã mua tour du lịch hơn 60 triệu đồng và được cơ quan đồng ý…

Phía Công an TP Đà Nẵng cho biết ngày 5-5 đã tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo tội phạm của hai công ty và một cá nhân đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của bà Nga và tạp chí Giao Thông Vận Tải liên quan đến các bài viết mà họ cho là sai sự thật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân cùng lãnh đạo công ty... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm