Con ở với ai, người đó dễ được tòa xử thắng

TAND tỉnh Bến Tre vừa xử phúc thẩm vụ ly hôn và tranh chấp nuôi con giữa chị Tr. với anh T. Sau khi nghị án, tòa tuyên y án sơ thẩm, công nhận thuận tình ly hôn và anh T. được quyền nuôi con chung, chị Tr. không phải cấp dưỡng.

Ngủ riêng lâu ngày nhưng vẫn… có bầu

Trong đơn ly hôn, chị Tr. ghi chị và anh T. tự nguyện quen nhau và năm 2010 bắt đầu tiến tới hôn nhân. Chị và anh T. sống hạnh phúc với nhau được khoảng hai năm thì phát sinh mâu thuẫn. Do lúc chị bị bệnh, anh T. không hề quan tâm chăm sóc; tiền bạc trong gia đình anh T. đều cất giữ hết, không đưa cho chị tiêu xài.

Ngoài ra, chị Tr. còn cho rằng anh T. không còn tin tưởng chị, dẫn chị đi phá thai nhiều lần vì bảo chưa chắc là con anh ấy. Chị thấy giữa chị và anh T. không còn tình cảm gì nữa nên muốn được ly hôn. Từ ngày nộp đơn ly hôn, chị bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống. Đây cũng là lúc giữa chị và anh T. ly thân nhau.

Trong quá trình chung sống, giữa chị và anh T. có với nhau một đứa con trai, nay đã bốn tuổi. Hiện cháu đang sống với anh T. Sau khi ly hôn, chị muốn được nuôi con mà không cần anh T. cấp dưỡng. Còn về tài sản thì hai người tự thỏa thuận, nợ chung không có.

Theo anh T., do chị Tr. tiêu xài quá nhiều nên anh mới cất giữ tiền để lo cho gia đình. Do có thời gian giận nhau, chị Tr. không đồng ý nên anh và chị không có sinh hoạt vợ chồng. Rồi đột nhiên sau đó, chị Tr. lại nói là chị có thai. Vì vậy, anh mới nói rằng cái thai đó không phải con anh. Rồi chị Tr. tự ý bỏ về sống bên cha mẹ ruột chứ anh không hề đánh đập hay xua đuổi gì. Giờ chị Tr. muốn ly hôn anh cũng đồng ý. Tuy nhiên, sau ly hôn anh muốn nuôi con mà không cần chị Tr. cấp dưỡng.

Lợi thế khi tranh chấp quyền nuôi con

Xử sơ thẩm, TAND huyện Chợ Lách công nhận sự thuận tình ly hôn giữa chị Tr. với anh T. và anh T. được quyền nuôi con.

Ngay sau đó, chị Tr. kháng cáo yêu cầu được quyền nuôi con. Trong đơn kháng cáo, chị Tr. trình bày chị có tiệm thẩm mỹ, có thu nhập ổn định nên có đầy đủ quyền để nuôi con. Trong khi đó, anh T. làm thợ hồ, rày đây mai đó, không có điều kiện chăm sóc con chu đáo mà để con cho ông bà nội đã lớn tuổi trông giữ cháu…

Tại phiên phúc thẩm người bảo vệ quyền lợi cho chị Tr. cũng cho rằng chị Tr. có đủ quyền nuôi con hơn anh T. Ngoài việc chị có thu nhập ổn định từ tiệm thẩm mỹ thì khoảng cách đến trường của cháu cũng gần hơn so với nhà anh T. Ngoài ra, án sơ thẩm không có VKS tham gia là vi phạm tố tụng, HĐXX lại không có phụ nữ làm hội thẩm nhân dân khiến quyền lợi của chị Tr. không được đảm bảo. Vì vậy, cấp phúc thẩm nên hủy án, tạm thời giao con cho chị Tr. nuôi dưỡng.

Cuối cùng, tòa phúc thẩm nhận định cả chị Tr. và anh T. đều có khả năng nuôi con chung. Tuy nhiên, chị Tr. kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh anh T. nuôi con không tốt. Và tại tòa, chị cũng thừa nhận hiện đứa con vẫn phát triển bình thường và được anh T. đưa đón đến trường đúng theo lịch học. Điều đó cho thấy anh T. vẫn lo cho con tốt, cấp sơ thẩm xử giao con cho anh T. nuôi dưỡng là phù hợp và có căn cứ. Vì vậy, để không làm xáo trộn điều kiện, môi trường sống và sinh hoạt hằng ngày của cháu, tòa cho rằng nên tiếp tục để anh T. nuôi con là phù hợp.

Về việc án sơ thẩm không có VKS tham gia, tòa xét trong vụ án này cả chị Tr. và anh T. đều thuận tình ly hôn và không có tranh chấp hay khiếu nại gì về tài sản chung hay nợ chung nên không thuộc trường hợp phải thu thập chứng cứ. Vì vậy, việc VKS không tham gia trong trường hợp này là không vi phạm tố tụng. Cấp sơ thẩm đã tuân thủ đúng quy định nên yêu cầu của người bảo vệ cho chị Tr. đưa ra là không có cơ sở để chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm