Con gái kiện đòi cha trả tiền bồi thường đất

Theo đơn khởi kiện của bà S., năm 1997, mẹ bà có hứa cho bà hai bờ đất diện tích khoảng 1.000 m2 do cha bà đứng tên trên giấy đỏ. Mẹ bà chỉ hứa miệng, không làm giấy tờ gì nhưng được cha bà đồng ý, có sự chứng kiến của anh em trong nhà. Sau đó bà đi làm ăn xa, để phần đất này lại cho cha mẹ canh tác. Sau ba lần bị Nhà nước giải tỏa, phần đất này đã không còn. Số tiền bồi thường đất (300 triệu đồng), anh bà chở cha bà đi nhận rồi anh bà giữ hết, nay bà yêu cầu cha bà và anh bà phải liên đới trả lại cho bà.

Ra tòa, ông Tr. trình bày rằng vợ chồng ông có tám người con, mỗi khi người nào lập gia đình ông bà đều cho đất, trong đó có bà S. Phần đất còn lại ông để dưỡng già. Năm 2011, Nhà nước giải tỏa toàn bộ phần đất trên làm đường công cộng và ông được bồi thường 300 triệu đồng. Dù đã được ông chia đất trước đó nhưng bà S. vẫn đòi ông chia tiền. Ông không chấp nhận vì đó là tiền của ông.

Ông B. cũng trình bày rằng phần đất được bồi thường là của ông Tr., bà S. đã được cha mẹ cho đất rồi, nay thấy cha có tiền lại đòi nữa.

Xử sơ thẩm, TAND TP Bến Tre nhận định bà S. kiện đòi đất nhưng không cung cấp được các chứng cứ, giấy tờ liên quan. Theo Điều 467 BLDS, việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký…, nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Bà S. nói được mẹ bà hứa cho đất nhưng không xác định được diện tích chính xác, số thửa, vị trí đất ở đâu. Đồng thời, từ lúc bà được mẹ hứa cho đất đến sau khi mẹ mất, bà cũng không hề sử dụng, canh tác hay có ý kiến gì về việc chuyển quyền sử dụng đất cho bà. Chỉ đến khi Nhà nước giải tỏa lần thứ ba và bắt đầu bồi thường thì bà mới tranh chấp, trong khi cha bà vẫn là người đứng tên quản lý, sử dụng canh tác cho đến nay.

Cạnh đó, việc bà S. cho rằng ông B. phải liên đới trả lại số tiền được bồi thường của cha bà là không có căn cứ. Bởi lẽ phần đất này từ trước đến nay thuộc quyền sử dụng của cha bà, đến khi nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng thì cũng vẫn là tiền của cha bà nên không có cơ sở nào để buộc ông B. phải có trách nhiệm liên đới trả số tiền này cho bà. Còn ông B. có giữ tiền của người cha hay không thì đó là thỏa thuận riêng của hai người, tòa không có quyền can thiệp.

Từ đó, TAND TP Bến Tre đã bác yêu cầu khởi kiện của bà S., buộc bà phải nộp 15 triệu đồng án phí. Bà S. kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì chấp nhận cho ông Tr. ủy quyền cho ông B. tham gia tố tụng, trong khi ông B. đang là bị đơn. Ông B. thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho chính ông mà không thông qua ông Tr. là không đúng…

Theo TAND tỉnh Bến Tre, việc ủy quyền và nhận ủy quyền được pháp luật cho phép, kể cả trong trường hợp người được ủy quyền là một đương sự trong vụ kiện nên việc ông Tr. ủy quyền cho ông B. là hợp pháp. Việc thuê luật sư để bảo vệ cho ông Tr. hay ông B. là quyền của đương sự, không hạn chế việc hỏi hay không hỏi người ủy quyền. Về mặt nội dung, tòa sơ thẩm bác yêu cầu của bà S. là có căn cứ.

VĂN TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm