Có nên buộc luật sư... ‘phản chủ’?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 tại khoản 3 Điều 19 quy định: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của bộ luật này”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) - đại biểu Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam (ảnh), nói: “Nếu quy định như vậy thì trong quá trình bào chữa cho thân chủ, LS sẽ đối mặt rất nhiều rủi ro”.

Mâu thuẫn với BLTTHS 2015

. Phóng viên: Thưa ông, những rủi ro ấy là gì? Nó tác động ra sao đến nghề nghiệp của LS?

+ LS Nguyễn Văn Chiến: Theo quy định trong Luật LS và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, LS phải giữ bí mật cho thân chủ và không bao giờ được làm xấu đi tình trạng của thân chủ do mình bào chữa. Nếu buộc LS phải tố giác thân chủ là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hơn nữa, nếu giữ quy định LS phải tố giác thân chủ theo Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung hiện nay thì đẩy LS vào tình trạng vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm Điều 73 BLTTHS 2015. Điều luật này quy định người bào chữa “không được tiết lộ thông tin về vụ án, vngười bị buộc tội mà mình bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

. Tức là LS vẫn có thể tố giác nếu thân chủ đồng ý bằng văn bản, thưa ông?

+ LS muốn tố giác thân chủ thì phải hỏi ý kiến của họ và luật quy định thân chủ phải đồng ý bằng văn bản, đương nhiên không bao giờ họ đồng ý.

Hơn nữa, khoản 3 Điều 19 của dự án luật mâu thuẫn với chính Điều 73 BLTTHS 2015 thì rõ ràng QH cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2015. Điều này tiếp tục gây tốn kém cho ngân sách và làm chậm đến tiến trình cải cách tư pháp bởi chúng ta cần khẩn trương khắc phục khiếm khuyết của BLHS 2015 để QH thông qua, sớm đưa cả BLHS 2015 và BLTTHS 2015 thực thi trong đời sống xã hội.

Các luật sư bào chữa trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như hồi năm 2014. Ảnh minh họa: HOÀNG YẾN

“Đặc quyền” giữa luật sư và thân chủ

. Báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vQH đã thu hẹp phạm vi mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác tội phạm từ 83 tội xuống còn ba hoặc năm tội, trong đó có tội phạm về khủng bố, rửa tiền và giết người...

+ Trong tố tụng hình sự, LS tham gia với tư cách người bào chữa nhằm thực hiện chức năng cơ bản là gỡ tội. Đây là tính đặc thù của nghề nghiệp. Chính vì đặc thù nghề nghiệp và giá trị của nghề LS mà nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức đã đương nhiên thừa nhận chế định “đặc quyền” trong quan hệ LS và thân chủ. Đặc quyền này cho phép mọi thông tin liên hệ, trao đổi giữa LS và thân chủ được bảo vệ.

Theo đó, thân chủ cóquyền từ chối bất kỳ yêu cầu cung cấp thông tin nào đối với LS và LS cũng không được phép tiết lộ mọi thông tin của thân chủ. Ở Pháp, quy tắc đạo đức nghề còn quy định LS bảo mật thông tin khách hàng cóđược trong mọi trường hợp, ngay cả khi khách hàng đồng ý cung cấp thông tin thì LS cũng không được cung cấp.

Năm qua, bào chữa cho một bị cáo trong một vụ đại án, chúng tôi đã từng bị LS Pháp từ chối cung cấp thông tin trong khi thân chủ của LS người Pháp đã đồng ý cho phép tôi liên hệ với LS của họ để được cung cấp thông tin theo đề xuất.

Vì vậy, bảo mật thông tin và đặc quyền nghề LS là mối quan hệ gắn bómật thiết nếu chúng ta muốn phát triển nghề LS. Còn với tư cách công dân, LS vẫn cóquyền tố giác người khác phạm tội (nhưng không phải là thân chủ của mình) theo quy định của pháp luật.

Luật sư tố thân chủ là bội tín

. Tại hội thảo phản biện xã hội đối với dự án luật này, ông cho rằng quy định buộc LS tố giác thân chủ sẽ có nhiều hệ lụy?

+ Đúng vậy! Nếu LS đi tố giác thân chủ do mình đang phải tận tâm bào chữa thì đương nhiên thân chủ sẽ mất niềm tin ở LS, thậm chí họ tố giác ngược LS là vu khống. Nếu LS đi tố giác thân chủ thì còn gì niềm tin để họ tiếp tục nhờ LS bào chữa. Nghề LS ở chúng ta liệu cóphát triển được không nếu không cóđược niềm tin ở thân chủ và người dân trong xã hội?

. Tức là sẽ ảnh hưởng tới vị trí, vai trò và hoạt động của LS trong đời sống xã hội?

+ Khi hành nghề, LS phải tuân theo luật nhưng lại đi tố giác chính thân chủ của mình là không phù hợp. LS tham gia vụ án hình sự cóhai loại hình: Được chỉ định và được khách hàng mời.

Nếu LS tố giác thân chủ do Nhà nước chỉ định thì người ta sẽ không tin LS độc lập để bào chữa cho thân chủ, làm mất hết ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý. Nếu được khách hàng mời và trả thù lao mà LS lại tố giác là LS đã bội tín, không đủ tư cách để làm người bào chữa cho họ nữa.

Xu hướng các vụ án chỉ định LS sẽ tăng lên khi BLTTHS 2015 thi hành do cóquy định phải chỉ định LS bào chữa cho người phạm tội bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tội danh cókhung hình phạt từ 20 năm tù trở lên. Nếu giữ quy định xử lý LS, e rằng ảnh hưởng đến việc hành nghề của LS và ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng.

. Xin cám ơn LS.

Cần bỏ người bào chữa ra khỏi Điều 382

Điều 382 BLHS 2015 quy định về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối như sau: Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì bị phạt...

Người bào chữa là chủ thể thực hiện chức năng gỡ tội. Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền đưa ra những tài liệu do đương sự cung cấp hoặc tự mình thu thập để cung cấp cho cơ quan tố tụng mà họ cho là có thể gỡ tội cho thân chủ mình. Vào thời điểm thu thập, cung cấp chứng cứ, người bào chữa không thể xác định được tài liệu đó có sai sự thật hay không, mức độ sai sự thật đến đâu.

Tài liệu là thật hay không thật còn phải được cơ quan giám định kết luận. LS không có quyền xác định hay kết luận chứng cứ đó là thật hay không vì còn phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa và được HĐXX đánh giá, quyết định. LS chỉ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan tố tụng để xem xét, giải quyết vụ án. Vì vậy, hành vi cung cấp tài liệu không gây hậu quả để cấu thành tội phạm hình sự như quy định tại Điều 382 BLHS 2015.

Mặt khác, việc LS thực hiện thu thập và đưa ra chứng cứ, tài liệu để gỡ tội cho bị can, bị cáo cũng như điều tra viên, kiểm sát viên thu thập chứng cứ buộc tội để HĐXX đánh giá, kết luận. Nếu chỉ buộc trách nhiệm hình sự đối với LS là không bình đẳng theo nguyên tắc của Hiến pháp và BLTTHS. Theo tôi, cần loại bỏ cụm từ người bào chữa ra khỏi đối tượng bị xử lý trách nhiệm hình sự tại điều luật này.

LS - đại biểu QH

NGUYỄN VĂN CHIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm