Chuyên gia nói về vụ 'cụ bà 71 tuổi xác nhận độc thân'

Chuyện hi hữu này còn thu hút dư luận khi cụ bà đi xin giấy chứng nhận độc thân để kết hôn nhưng nơi gật, nơi lắc. Cơ quan tư pháp ở tỉnh Đồng Nai có xác nhận cụ chưa kết hôn với ai nhưng tại TP.HCM thì cho rằng cụ đã có quan hệ hôn nhân nên từ chối.

Được xác nhận độc thân

Trước năm 1975, cụ bà HTX (71 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và cụ ông LBM (hơn bà hai tuổi) chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Quá trình sống chung hai cụ sinh được hai người con.

Sau năm 1975, do hoàn cảnh nên cụ M. sang định cư tại Mỹ nhưng vẫn thường xuyên thăm nom và gửi tiền về Việt Nam cho vợ con. Gần đây nhất là năm 2013, cụ M. về lưu cư và sinh hoạt với gia đình. Cụ X. cũng vẫn thường xuyên qua lại và liên lạc hỏi thăm các anh chị em của cụ M. Việc chung sống và tình cảm giữa cụ M. và cụ X. được hai bên gia đình nội ngoại thừa nhận.

Thế nhưng cuối năm 2016, cụ X. bất ngờ nộp đơn ra UBND phường Tân Mai, TP Biên Hòa đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục kết hôn. Người cụ X. có ý định kết hôn là cụ DT (75 tuổi), ngụ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Quyết định bất ngờ trên của cụ X. vấp phải sự phản đối quyết liệt của hai người con vì họ cho rằng cụ đã có chồng, không nên đi bước nữa. Cũng không ai ngờ ý định này còn gây khó cho các cơ quan tư pháp trong việc xác nhận.

Cụ thể khi nhận được đơn đề nghị xác nhận độc thân của cụ X. thì ngày 7-11-2016 UBND phường Tân Mai đã cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với nội dung cụ X. chưa từng đăng ký kết hôn với ai. Kèm theo đơn xác nhận cụ X. còn có giấy cam kết từ khi đủ tuổi kết hôn cụ chưa từng đăng ký kết hôn với ai, không xác lập quan hệ vợ chồng với ai.

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ X. còn ghi rõ: “Giấy này có giá trị sử dụng trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày cấp. Giấy được sử dụng để làm thủ tục kết hôn với ông T. Nơi dự định kết hôn là UBND thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM”.

Không được vì đã có chồng

Có được giấy xác nhận này, hai cụ T. và X. cầm hồ sơ dắt nhau đến nơi cư trú của cụ T. là UBND thị trấn Cần Thạnh làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, nơi đây cho biết hai cụ chưa thể ký ngay mà về nhà chờ do UBND thị trấn đang băn khoăn về việc xác nhận độc thân của cụ X. Ngày 14-11-2016, UBND thị trấn Cần Thạnh gửi công văn cho Phòng Tư pháp huyện Cần Giờ xin ý kiến nghiệp vụ và hướng giải quyết. Hơn một tháng sau phòng tư pháp huyện có thông báo gửi UBND thị trấn nhận định về vụ việc. Theo phòng tư pháp huyện, việc cụ X. kết hôn với cụ T. là vi phạm điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình. Bởi cụ X. thuộc trường hợp là người đang có chồng, được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01-2016 giữa TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tư pháp (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình). Cụ thể, trước ngày 3-1-1987, cụ X. đã chung sống như vợ chồng với cụ M. và có hai con chung.

Vi phạm chế độ một vợ một chồng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết đây là vụ việc khá phức tạp vì có xung đột về nhận thức khi áp dụng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này Sở chưa khẳng định được việc UBND phường Tân Mai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho cụ X. là đúng hay sai. “Do đây là vụ việc phức tạp nên cơ quan này đã gửi công văn cho Bộ Tư pháp thỉnh thị nghiệp vụ. Khi nào có ý kiến của Bộ Tư pháp, Sở sẽ đưa ra nhận định về việc xác nhận tình trạng hôn nhân của UBND phường Tân Mai, TP Biên Hòa cho cụ X. là đúng hay sai” - đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai nói.

Trong khi đó, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch (Sở Tư pháp TP.HCM) Nguyễn Triều Lưu khẳng định Phòng Tư pháp huyện Cần Giờ trả lời, hướng dẫn như trên là đúng. Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01-2016 nêu trên thì người đang có vợ hoặc có chồng (theo điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình) là người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 3-1-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết. Trong khi điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Cấm hành vi người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Như vậy cụ X. chung sống như vợ chồng với cụ M. trước mốc thời điểm trên và có con chung nên thuộc trường hợp người đang có chồng.

Muốn lấy chồng khác, cụ X. phải làm sao?

Theo Phòng Tư pháp huyện Cần Giờ, nếu cụ X. có nguyện vọng kết hôn với cụ T. thì phải đến TAND TP Biên Hòa yêu cầu tòa không công nhận quan hệ vợ chồng với cụ M. (áp dụng trong trường hợp cụ M. còn sống). Sau khi tòa án có quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng này thì cụ X. mới có thể đến UBND thị trấn Cần Thạnh yêu cầu đăng ký kết hôn với cụ T. theo quy định của pháp luật hiện hành. Được biết hiện cụ M. vẫn còn sống nên nếu muốn kết hôn với cụ T. thì cụ X. phải làm theo hướng dẫn trên.

Không thể coi là độc thân

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình và Thông tư liên tịch 01 nêu trên thì cụ X. đã chung sống với cụ M. như vợ chồng, có hai con chung, được hai bên gia đình thừa nhận. Chưa kể thực tế họ còn có thể phát sinh những quyền liên quan đến tài sản chung nữa. Do vậy dù cụ M. có chung sống với cụ X. hay không thì về pháp lý họ vẫn còn mối quan hệ vợ chồng. Muốn trở lại tình trạng độc thân để kết hôn với người khác thì cụ X. phải được tòa không công nhận quan hệ vợ chồng với cụ M. nữa. Lúc đó pháp luật mới coi cụ X. là độc thân.

Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ,
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM

Kiểu gì cũng là vợ chồng

Việc chung sống giữa cụ X. và cụ M. dù chưa có đăng ký kết hôn thì vẫn được xem là người đang có vợ hoặc có chồng. Nếu cụ M. còn sống mà cụ X. chưa làm thủ tục ly hôn thì vẫn là vợ cụ M., không thể kết hôn với người khác nếu không làm thủ tục như đã phân tích. Nếu cụ M. đã chết hoặc bị tòa tuyên bố là đã chết thì quan hệ hôn nhân giữa hai người mới coi là chấm dứt. Cả hai trường hợp trên đều chứng minh thực tế là cụ X. có mối quan hệ vợ chồng với cụ M.

Luật sư LÊ ĐĂNG LIỆU, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm