Chuyển đơn kêu cứu của chủ tàu cá đến Tòa Tối cao

Ngày 25-6, ông Huỳnh Ngọc Sơn (chủ tàu cá ở Tiền Giang) cho biết đã nhận được văn bản của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khiếu nại của ông đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang.

Ban Dân nguyện đề nghị tòa giải quyết

Theo đó, Công văn số 185 của Ban Dân nguyện nêu rõ ban này nhận được đơn của ông Huỳnh Ngọc Sơn có nội dung kêu cứu và đề nghị được bồi thường thiệt hại do bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang gây ra cho ông.

Đây là vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là một ngân hàng ở Tiền Giang và bị đơn là ông Sơn. Vụ việc này ngày 8-4-2015, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP Mỹ Tho xét xử lại theo quy định pháp luật.

Ngày 6-8-2015, TAND TP Mỹ Tho đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc do nguyên đơn rút đơn khởi kiện.

Phía ông Sơn cho rằng tòa án các cấp ở Tiền Giang đã giải quyết không khách quan. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và tài sản của ông đã bị cơ quan thi hành án cưỡng chế, kê biên, gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình ông cả về vật chất lẫn tinh thần.

Từ đó, Ban Dân nguyện chuyển đơn và tài liệu kèm theo của ông Sơn đến chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ nhiều năm nay, ông Sơn có đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan trung ương, trong đó có Ban Dân nguyện với nội dung như trên.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn. Ảnh: ĐH

Đình chỉ vụ án khi án đã thi hành xong

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ông Sơn trước đây từng là chủ tàu cá trị giá hàng tỉ đồng nhưng nay phải đi bán vé số dạo sống qua ngày.

Việc xui rủi đến với ông Sơn bắt đầu từ cơn bão Linda (còn gọi là cơn bão số 5) năm 1997. Lúc đó, chiếc tàu cá của ông Sơn đang đánh bắt ở khu vực đảo Hòn Khoai (Cà Mau) bị bão đánh chìm, may mắn là ông và các con còn sống sót trở về.

Tháng 5-1998, ông Sơn được vay 1,3 tỉ đồng vốn khắc phục bão số 5 từ một ngân hàng ở Tiền Giang với lãi suất trong hạn 0,6%/tháng, lãi suất quá hạn 0,9%/tháng, hạn cuối trả nợ là tháng 5-2003. Tài sản thế chấp là chiếc tàu đánh cá TG 91269 TS tên Nhân Nghĩa trị giá 1,5 tỉ đồng.

Từ năm 1998 đến tháng 8-2002, ông Sơn đã trả gần 81 triệu đồng tiền lãi và 776 triệu đồng vốn gốc cho ngân hàng, còn nợ 524 triệu đồng. Đầu năm 2011, ông Sơn tiếp tục trả nợ gốc cho ngân hàng thêm 50 triệu đồng nữa, chỉ còn nợ 474 triệu đồng vốn gốc.

Tháng 7-2011, ngân hàng khởi kiện ông Sơn ra tòa yêu cầu phải trả hơn 1,6 tỉ đồng (gồm vốn gốc 474 triệu đồng còn nợ, hơn 1,1 tỉ đồng tiền lãi do nợ quá hạn). Hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở Tiền Giang chấp nhận đơn khởi kiện, tuyên buộc ông Sơn phải trả cho ngân hàng số tiền như trên và án phí hơn 30 triệu đồng.

Án tuyên có hiệu lực. Đầu năm 2012, căn nhà mà gia đình ông Sơn đang sinh sống tại khu phố 5, phường 2, TP Mỹ Tho bị thanh lý để trả nợ. Tháng 3-2012, cơ quan thi hành án đã cưỡng chế lấy chiếc tàu cá của gia đình đem phát mại với giá 650 triệu đồng.

Ông Sơn khiếu nại. Tháng 4-2015, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.

Sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tháng 8-2015, TAND TP Mỹ Tho ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do phía ngân hàng rút đơn khởi kiện. Trong khi đó, toàn bộ tài sản của ông Sơn đã bị thi hành án xong.

Ông Sơn nhiều lần khiếu nại TAND tỉnh Tiền Giang nhưng đều bị nơi này từ chối giải quyết. TAND tỉnh Tiền Giang hướng dẫn ông Sơn kiện lại ngân hàng, yêu cầu xem xét lại số tiền mà gia đình ông có nghĩa vụ trả cho ngân hàng và tài sản thế chấp.

Nhận định của TAND Tối cao

Quá trình tố tụng, ông Sơn đều cho rằng việc ngân hàng đòi khoản lãi quá hạn là không đúng. Bởi ngày 24-10-2002, Thủ tướng ban hành Quyết định số 144 về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 985/TTg ngày 20-11-1997 của Thủ tướng. Theo đó, Quyết định số 144 khoanh nợ cho người vay đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản, người vay chỉ phải trả nợ gốc không tính lãi để tạo điều kiện khắc phục hậu quả cơn bão số 5.

Trước đó, vào đầu năm 1998, UBND phường 2 (TP Mỹ Tho), Chi cục Thủy sản và Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cũng đều có văn bản xác nhận việc ưu đãi vay vốn đóng mới tàu cá khắc phục hậu quả cơn bão số 5 với ông Sơn là đúng đối tượng.

Trong quyết định giám đốc thẩm, TAND Tối cao nhận định ông Sơn vay nợ ngân hàng sau cơn bão số 5 năm 1997. Tuy nhiên, hai cấp tòa không làm rõ việc ông Sơn vay vốn ngân hàng có thuộc diện được hưởng ưu đãi về lãi suất theo Quyết định số 144 của Thủ tướng Chính phủ hay không. Khi chưa làm rõ vấn đề, hai cấp tòa đã buộc ông Sơn trả lãi cho ngân hàng theo mức lãi suất được ghi trong hợp đồng tín dụng ban đầu là chưa đủ cơ sở. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm