Chưa thi hành vì còn... khiếu nại án

Tháng 5-2012, UBND quận 2 (TP.HCM) thu hồi hơn 330 m2 đất của bà Nguyễn Thị Ghi để thực hiện dự án xây dựng cao ốc Phước An ở phường Bình Trưng Đông.

Thắng kiện hành chính một phần

Sau đó, UBND quận 2 ban hành quyết định hành chính về bồi thường, hỗ trợ cho bà Ghi theo đơn giá đất nông nghiệp là 380.000 đồng/m2. Đồng thời, quyết định cũng nêu hỗ trợ 50% đơn giá theo đơn giá đất ở trung bình khu vực có dự án là 1.375.500 đồng/m2 (tổng số tiền là hơn 580 triệu đồng). Đến đầu năm 2013, UBND quận 2 lại ban hành tiếp quyết định hành chính để cưỡng chế thu hồi đất của bà Ghi.

Bà Ghi cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ nói trên quá thấp nên khiếu nại. Sau đó UBND quận bác đơn, giữ nguyên quyết định.

Tháng 4-2013, bà Ghi khởi kiện hành chính yêu cầu tòa hủy hai quyết định nêu trên. Tháng 7-2015, TAND quận 2 xử sơ thẩm đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Ghi. Bà kháng cáo bản án sơ thẩm.

Xử phúc thẩm vào tháng 12-2015, TAND TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ghi. Cụ thể, tòa tuyên hủy một phần quyết định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của UBND quận 2 liên quan đến phần hỗ trợ 50% đơn giá đất ở trung bình đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi. Tòa buộc UBND quận 2 phải tính lại giá trị hỗ trợ với phần đất bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật. Tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ghi về việc đòi hủy quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Án đã có hiệu lực nửa năm nhưng chưa được UBND quận 2 thi hành. Ảnh: T.TÙNG

Ngưng thi hành án để chờ giám đốc thẩm

Sau khi án phúc thẩm tuyên, tháng 1-2016, bà Ghi làm đơn đề nghị UBND quận 2 thi hành bản án bằng cách ban hành quyết định mới, điều chỉnh đơn giá bồi thường và hỗ trợ về đất bị thu hồi.

Một tháng sau, UBND quận 2 có văn bản trả lời cho rằng theo khoản 6 Điều 206 và Điều 241, Điều 243 Luật Tố tụng hành chính thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án và phải được thi hành. Nhưng HĐXX phúc thẩm TAND TP.HCM xử tuyên buộc UBND quận phải điều chỉnh giá trị hỗ trợ với phần đất bị thu hồi của bà là chưa đúng nên chưa có cơ sở để chấp hành.

Vì vậy, đầu năm 2016, UBND quận đã có công văn đề nghị chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Theo UBND quận 2, trong thời gian chờ TAND cấp cao giải quyết, UBND quận đề nghị tạm ngưng thi hành bản án trên, việc bà Ghi yêu cầu thi hành án (THA) là tạm thời chưa thực hiện.

Bà Ghi tiếp tục khiếu nại yêu cầu THA.

Ngày 1-4, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM đã chuyển đơn đến chủ tịch UBND quận 2 giải quyết theo quy định. Ngày 24-4, Văn phòng Tiếp công dân UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND quận 2 chỉ đạo xem xét giải quyết và thông báo lại cho Văn phòng Tiếp công dân biết. Nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa có phản hồi tích cực.

Đây không phải là trường hợp cá biệt UBND viện cớ đang đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm để không thi hành bản án có hiệu lực pháp luật của tòa.

Trước đây, báo Pháp Luật TP.HCM cũng từng có nhiều bài phản ánh khá nhiều trường hợp tương tự. Nơi phải THA là UBND thường lấy lý do đã có đơn kiến nghị giám đốc thẩm rồi cho mình có quyền tự hoãn THA để chờ xem có phản hồi gì không. Điều này vô hình trung khiến bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án không được tôn trọng, người dân dù có thắng kiện cũng như không.

Ủy ban phải thượng tôn pháp luật

Các quy định pháp luật hiện hành đã nói rất rõ về trách nhiệm THA của cơ quan hành chính (trong vụ này là UBND quận 2). Theo Điều 21 Luật Tố tụng hành chính thì bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Văn bản trả lời bà Ghi của UBND cũng đã trích dẫn điều luật khẳng định nguyên tắc là bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án và phải được thi hành, chứng tỏ ủy ban nắm rất rõ pháp luật nhưng lại không thực hiện. Trong khi Luật Tố tụng hành chính đã quy định rõ việc tạm hoãn THA chỉ được thực hiện bởi người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (chánh án TAND cấp cao hoặc viện trưởng VKSND cấp cao).

UBND quận có quyền kiến nghị giám đốc thẩm nhưng cũng có nghĩa vụ phải THA, giả sử bản án có bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị hủy thì ủy ban còn nhiều cơ chế khác để thu hồi lại việc THA của mình. Do đó, ủy ban không có do gì để trì hoãn việc THA.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm