Chưa ngã ngũ vụ bồi thường oan nhiều tranh cãi

Ngày 22-2, VKSND tỉnh Phú Yên có công văn gửi lãnh đạo VKSND Tối cao báo cáo, nêu quan điểm không đồng ý với ý kiến của Bộ Tư pháp về trách nhiệm bồi thường oan liên quan đến vụ bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh bị làm oan.

Từ vụ án này, tháng 6-2020, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Bồi thường án oan: Bất cập và giải pháp”. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bà Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) là người bị các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa (Phú Yên) khởi tố, truy tố, xét xử oan trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi bị làm oan, bà Anh yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng TP Tuy Hòa bồi thường nhưng đến nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa xác định được cơ quan nào phải bồi thường cho bà Anh.

UBND tỉnh nhờ Bộ Tư pháp hướng dẫn

Công văn của VKSND tỉnh Phú Yên được ban hành sau khi Bộ Tư pháp có văn bản gửi UBND tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ xác định cơ quan giải quyết bồi thường. Sở dĩ bộ có hướng dẫn này là vì trước đó chính UBND tỉnh có văn bản đề nghị.

Quan điểm của Bộ Tư pháp sau khi tòa án phúc thẩm là TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại thì Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa (CQĐT) đã ra bản kết luận điều tra mới. VKSND TP Tuy Hòa ra bản cáo trạng mới, tiếp tục truy tố bị can đối với bà Anh. Sau khi tòa án cùng cấp trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì VKSND TP Tuy Hòa vẫn giữ nguyên quyết định truy tố. Cuối cùng thì CQĐT đã đình chỉ điều tra.

Bộ Tư pháp viện dẫn Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 quy định VKS là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp: “Tòa án cấp sơ thẩm quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Từ đó, Bộ Tư pháp cho rằng VKSND TP Tuy Hòa là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Bộ đề nghị UBND tỉnh căn cứ Điều 40 và Điều 73 Luật TNBTCNN, Nghị định 68/2018 của Chính phủ (về biện pháp thi hành Luật TNBTCNN) để xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại.

 

Sở Tư pháp đang tham mưu cho UBND tỉnh

Trước câu hỏi UBND tỉnh Phú Yên có thống nhất với hướng dẫn của Bộ Tư pháp và có chỉ đạo thực hiện việc bồi thường theo hướng dẫn hay không, một lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh cho hay Sở Tư pháp đang tham mưu cho UBND tỉnh về vụ việc. 

VKSND tỉnh Phú Yên không đồng ý

Công văn của VKSND tỉnh thể hiện quan điểm không đồng ý với hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Theo đó, sau khi TAND tỉnh xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, vụ án được trả cho CQĐT để điều tra lại. Quá trình điều tra lại, phát hiện có dấu hiệu sửa chữa tài liệu trong hồ sơ, VKSND TP Tuy Hòa đã ba lần trả hồ sơ, yêu cầu giám định chữ viết của điều tra viên (ĐTV)  nhưng CQĐT không thực hiện. Sau đó, CQĐT tiếp tục ban hành kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố bà Anh tội mua bán trái phép chất ma túy.

Cũng theo VKSND tỉnh, sau khi nghe VKSND TP Tuy Hòa báo cáo, VKSND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cấp dưới ra quyết định trưng cầu giám định. Sau đó, VKSND TP Tuy Hòa trưng cầu giám định chữ viết của điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Việt Cường tại ba bút lục.

VKSND tỉnh khẳng định việc ĐTV viết thêm nội dung vào biên bản hỏi cung bị can những nội dung nhằm buộc tội bà Anh là nguyên nhân chính dẫn đến việc xét xử oan đối với bà này. Hành vi của ĐTV Cường đã phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. VKSND tỉnh báo cáo và CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố ĐTV, đến nay vụ án này đã xét xử và có hiệu lực pháp luật.

VKSND tỉnh cho rằng CQĐT là nơi buộc tội cuối cùng, đồng thời ĐTV đã làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến việc làm oan. “VKS không có lỗi. Tự thân VKS không thể phát hiện được, phải thông qua cơ quan giám định mới xác định được việc làm sai lệch hồ sơ. VKS đã làm hết trách nhiệm để phòng chống oan, sai nhưng VKS phải chịu trách nhiệm bồi thường là không thuyết phục về mặt nhận thức và áp dụng pháp luật” - công văn của VKSND tỉnh Phú Yên nêu.

Theo VKSND tỉnh, công văn của Bộ Tư pháp cho rằng “VKSND TP Tuy Hòa vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và sau đó CQĐT đình chỉ điều tra” để xác định VKSND TP Tuy Hòa là cơ quan bồi thường là không đúng, không phù hợp về trách nhiệm để xảy ra oan, sai, cũng như không thuận lợi trong việc bồi hoàn sau khi giải quyết bồi thường. VKSND tỉnh thống nhất với quan điểm của VKSND Tối cao trước đó, xác định Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho bà Anh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến mới của vụ việc.

 

Điều tra viên bị phạt tù vì làm sai lệch hồ sơ

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 2-5-2013, CQĐT Công an TP Tuy Hòa khởi tố bà Anh về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tháng 3-2014, TAND cùng cấp xử sơ thẩm đã tuyên phạt bà Anh bảy năm tù. Tại phiên xử phúc thẩm sau đó, TAND tỉnh Phú Yên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Sau đó, CQĐT Công an TP Tuy Hòa có kết luận điều tra tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh. Tuy nhiên, VKSND TP Tuy Hòa phát hiện có dấu hiệu ĐTV Nguyễn Việt Cường thêm những nội dung có tính chất buộc tội bà Anh nên đã ba lần ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu giám định chữ viết của ĐTV.

Dù vậy, CQĐT vẫn tiếp tục đề nghị truy tố bà Anh và không trưng cầu giám định theo yêu cầu của VKS. Sau đó VKS trực tiếp trưng cầu giám định, kết quả là các lời khai mang tính buộc tội bà Anh là do ĐTV thêm vào.

Ngày 31-5-2019, CQĐT Công an TP Tuy Hòa ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Anh vì đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm.

Sau khi ĐTV bị khởi tố, tháng 6-2020, TAND tỉnh Phú Yên xử sơ thẩm, phạt Nguyễn Việt Cường 18 tháng tù về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Xử phúc thẩm hồi tháng 10-2020, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo, phạt bị cáo Cường 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Nhiều quan điểm khác nhau

Trong vụ án này, trước khi Bộ Tư pháp có hướng dẫn thì từng có nhiều quan điểm khác nhau của các cơ quan từ trung ương đến địa phương về việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường oan cho bà Anh.

Trong thông báo trả lại đơn yêu cầu bồi thường của bà Anh, TAND TP Tuy Hòa cho rằng theo khoản 4 Điều 35 Luật TNBTCNN thì cơ quan giải quyết bồi thường là VKSND TP Tuy Hòa. Bà Anh gửi đơn cho VKSND TP Tuy Hòa thì cơ quan này trả lại đơn, khẳng định: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN thì trách nhiệm bồi thường thuộc TAND TP Tuy Hòa.

Trong công văn trả lời TAND tỉnh, TAND Tối cao viết: Áp dụng tương tự những vụ việc đã được giải quyết (có sự thống nhất của liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương và Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp) thì có thể xác định cơ quan giải quyết bồi thường là VKSND TP Tuy Hòa. Đây cũng là ý kiến của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) trước đó.

Trong công văn hướng dẫn VKSND tỉnh, VKSND Tối cao viết: Căn cứ khoản 3 Điều 34 Luật TNBTCNN thì trách nhiệm giải quyết bồi thường của bà Anh thuộc Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa.

Từ vụ án này, tháng 6-2020, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia hàng đầu về hình sự, tại đây đa số ý kiến cho rằng VKSND TP Tuy Hòa là nơi có trách nhiệm giải quyết bồi thường oan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm