Chưa giao con vẫn được quyền kiện thay đổi

Ngày 16-11, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh tháng 4-2017, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (tiếp viên hàng không) khởi kiện ra TAND quận Gò Vấp, TP.HCM yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn và được tòa thụ lý. Cha của con bà không đồng ý vì bản án ly hôn tòa tuyên bà Nga phải giao con cho ông vẫn chưa được thi hành. Do vậy, theo ông thì bà Nga không có quyền kiện đòi thay đổi quyền nuôi con.

Tòa nói thụ lý đúng

Tháng 9-2017, TAND quận Gò Vấp đã tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện của bà Nga vì cần đợi UBND quận Gò Vấp cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về lý do thụ lý vụ án mới trong khi người phải thi hành án (THA) vụ án trước chưa chấp hành việc giao con, lãnh đạo TAND quận Gò Vấp cho rằng tòa thụ lý đúng luật. Theo đó, khi nộp đơn các đương sự không thông báo cho tòa biết về việc một bản án khác đã có hiệu lực liên quan đến nội dung tranh chấp này chưa được thi hành nên tòa thụ lý. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, thẩm phán sẽ có hướng giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, BLTTDS 2015 quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có nữa thì áp dụng luật hoặc án lệ và lẽ công bằng. Việc tòa thụ lý vụ án là có căn cứ.

Về trường hợp này, có ý kiến cho rằng tòa nên ra quyết định đình chỉ, trả lại đơn khởi kiện. Bởi sau này nếu thấy cần thiết vì lợi ích của trẻ thì cha, mẹ có quyền nộp đơn yêu cầu tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con nhưng bản án trước đó phải được các bên đương sự chấp hành nghiêm túc.

nhiều ý kiến khác lại khẳng định việc tòa thụ lý yêu cầu thay đổi nuôi con là đúng vì luật không quy định khi nào mới được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Đồng thời, trường hợp chưa THA việc giao con trước đó không thuộc trường hợp bị trả lại đơn kiện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga trình bày sự việc. Ảnh: PL

Luật không cấm

Theo một kiểm sát viên (KSV) VKSND TP.HCM, tòa thụ lý vụ án là đúng với khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo quy định này, nếu có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức (theo luật - PV) thì tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tức là sau khi bản án ly hôn đã có hiệu lực thì một trong hai bên có quyền yêu cầu tòa thay đổi quyền trực tiếp nuôi con. Việc chưa thi hành bản án giao con không phải là căn cứ để tòa không thụ lý đơn. “Kiện thay đổi quyền nuôi con khi chưa giao con là việc của người yêu cầu khi thấy nếu giao con sẽ ảnh hưởng quyền lợi của trẻ” - vị này nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong phần quyết định của bản án đã có hiệu lực về phần con chung cũng nêu rõ nội dung: Người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Còn việc THA giao con hay không là một vấn đề khác. Khác ở chỗ, nếu người được quyền trực tiếp nuôi không yêu cầu THA giao con cho họ mà cứ để cho bên kia nuôi thì bên không trực tiếp nuôi bị thiệt thòi.

Theo KSV này, luật không quy định khi nào mới được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Vì có thể lúc bản án tuyên thì người được quyền nuôi có điều kiện nuôi nhưng khi án có hiệu lực thì họ lại không còn đủ điều kiện nữa. Do đó, nếu không cho kiện thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ.

Vị KSV nói: “Tóm lại, việc yêu cầu thay đổi không nhất thiết phải thi hành xong mà chỉ cần bản án có hiệu lực, người không trực tiếp nuôi có quyền yêu cầu thay đổi nếu họ có căn cứ cho rằng không thay đổi quyền nuôi con sẽ ảnh hưởng quyền lợi của trẻ. Vì vậy, tòa thụ lý là đúng”.

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng ngay khi án ly hôn có hiệu lực thi hành thì bên không được giao con có quyền khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. BLTTDS không có điều luật nào quy định phải sau bao lâu thì người không được giao con mới được quyền khởi kiện thay đổi. Bên cạnh đó, Điều 192 BLTTDS về các trường hợp tòa án trả lại đơn khởi kiện không quy định trường hợp này.

Điều đó được hiểu là tòa phải thụ lý vụ án, không được trả lại đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà không cần xem xét đến việc người này đã THA giao con hay chưa. Còn việc có thay đổi người nuôi con theo yêu cầu của bên không được giao con hay không là do tòa án quyết định trong quá trình giải quyết vụ án.

Một vụ tương tự

Trước đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm và tuyên ông L. phải giao con cho bà G. trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Chi cục THA quận 5 đã ra quyết định thi hành theo nội dung trên nhưng chưa được. Tháng 7, ông L. kiện ra TAND quận 11 yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và được tòa thụ lý. Thấy vậy, bà G. đến tòa làm bản tự khai, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chồng cũ vì đến nay ông vẫn chưa giao con cho bà theo bản án trước.

Thẩm phán đang trực tiếp giải quyết vụ án cho rằng bản án ly hôn đã có hiệu lực thì phải được thi hành. Riêng việc ông L. kiện bà G. yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là một quan hệ tranh chấp khác nên tòa thụ lý giải quyết theo thủ tục chung. “Không có điều luật nào quy định việc chưa THA giao con thì không được quyền khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con” - vị thẩm phán nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm