Chưa có tiêu chí phân định đồng tác giả và tập thể tác giả

Ngày 9-10, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” theo hình thức trực tuyến.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, giảng viên, luật sư có uy tín trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ cùng sự tham gia của đại diện của các sở, ban ngành có liên quan đến lĩnh vực này.

Hội thảo trực tuyến “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 9-10. Ảnh: MV

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Bùi Xuân Hải (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) nêu lên tầm quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ những điểm hạn chết, cần phải được sửa đổi bổ sung trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do đó, hội thảo này được mở ra để ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực.
Tại hội thảo, TS Trần Lê Hồng (Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) đề cập đến việc hoàn thiện chính sách đặc thù về quyền tác giả, việc thống nhất cách hiểu đối với việc sử dụng các thuật ngữ quy định về quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ như: sở hữu quyền tác giả, sở hữu tác phẩm, sử dụng tác phẩm, khai thác tác phẩm… Những thuật ngữ này cần được hiểu một cách rõ ràng hơn. Điều này có ý nghĩa trong việc hoàn thiện các quy định của luật sở hữu trí tuệ nói chung và đặc biệt là quyền tác giả.
Tham luận của PGS-TS Vũ Thị Hải Yến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng đưa ra những bất cập về vấn đề quy định khái niệm tác giả và đồng tác giả được lý giải trong trong các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, điều này lại thiếu vắng các quy định liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Đối với định nghĩa về đồng tác giả, pháp luật quy định chỉ đưa ra một tiêu chí duy nhất để xác định đồng tác giả đó là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”. PGS-TS Vũ Thị Hải Yến cho rằng quy định hiện hành chưa phân định giữa đồng tác giả với tập thể tác giả, cũng như chưa quy định quyền tác giả đối với tác phẩm đồng tác giả được thực hiện như thế nào.
Một điểm khác là vấn đề bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng. PGS-TS Lê Thị Nam Giang (Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết hiện nay chưa có bất kỳ nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Điều này xuất phát từ các bất cập trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp luật sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn như sự thiếu vắng nhiều quy định về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ chưa phù hợp để áp dụng, về thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm