Chủ tọa nói gì về phiên xử bà Hứa Thị Phấn?

Một vấn đề dư luận đang chú ý ở phiên xử bà Hứa Thị Phấn (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Mỹ) cùng 27 bị cáo khác vào ngày 8-5 tới đây của TAND TP.HCM là liệu tòa có thể xét xử vắng mặt bà Phấn hay không? Nếu xét xử vắng mặt bà Phấn thì không rõ bà Phấn đã có lời khai nào về các hành vi liên quan hay chưa.
Trong vụ án, bà Phấn được xác định là bị can chính, chủ mưu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra xác định "bà Phấn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền hơn 6.341 tỉ đồng mà Ngân hàng Đại Tín bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bà và đồng phạm gây ra".

Chủ tọa nói gì về phiên xử bà Hứa Thị Phấn? ảnh 1
Bà Hứa Thị Phấn tại phiên toà xử Phạm Công Danh hồi năm 2016.

Theo hồ sơ, bà Phấn bị khởi tố bị can ngày 22-3-2017 nhưng từ 16 ngày trước đó, bà đã nhập viện cấp cứu do lên huyết áp độ 3/4 (180/88 mmHg) và tiểu đường type II. Từ ngày khởi tố đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời, các luật sư của bà Phấn kiến nghị hoãn hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bà tốt hơn. Kể từ khi khởi tố bà Phấn, CQĐT chưa thể hỏi cung bà Phấn về các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội, đơn tố giác và kiến nghị của bị can...

Tuy nhiên, theo CQĐT, căn cứ kết quả của 13 ngày làm việc (12 lần năm 2015 và một lần ngày 8-12-2016) với bà Phấn có sự tham gia của một bị can là kế toán Công ty Phú Mỹ và luật sư của bà Phấn tại phòng làm việc của bà tại tầng 6 Tòa nhà Lam Giang (quận 1) thì bà Phấn đã nhận sử dụng hơn 4.985 tỉ đồng. Trong biên bản làm việc ngày 16-6-2015, bà Phấn nhận sử dụng hơn 4.944 tỉ đồng, chênh lệch hơn 41 tỉ đồng do cộng thiếu khoản thu khống), trong đó gồm: 

Sử dụng hơn 662 tỉ đồng tất toán gốc 650 tỉ đồng và lãi 12,15 tỉ đồng của ba khoản vay của Công ty Phương Trang mà bà Phấn khai sử dụng để mua cổ phần đợt tăng vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín từ 2.000 tỉ lên 3.000 tỉ năm 2010.

Sử dụng hơn 27 tỉ đồng trả lãi khoản vay 200 tỉ của một cá nhân thuộc Phương Trang.

Nhận hơn 55 tỉ tiền mặt từ khoản vay 650 tỉ đồng của Phương Trang, có nguồn từ 6.137 tỉ đồng tiền giải ngân 29 khoản vay của nhóm Phương Trang.
Hỗ trợ Công đoàn Ngân hàng Đại Tín 80 tỉ từ tiền giải ngân khoản vay 80 tỉ của một công ty thuộc Phương Trang theo hợp đồng tín dụng ngày 30-6-2010...
Ngoài ra, bà Phấn cũng khai cụ thể về các lần vay mượn tiền của các bên, việc viết giấy nhận nợ, người chứng kiến...
Đáng chú ý, kết thúc điều tra, CQĐT đã đề nghị xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bà Phấn trong quá trình xét xử để lượng hình phạt bởi lẽ bà Phấn vẫn ký các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và cả đơn kháng cáo trong vụ án Ngân hàng Đại Dương mà bà bị cấp sơ thẩm xử 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCMthẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) cho biết vào ngày 8-5 tới, HĐXX vẫn mở phiên tòa để tiến hành xét xử vụ án này như lịch xét xử đã thông báo. Tại phiên tòa, HĐXX sẽ giải thích rõ về vấn đề này.
Trước đó, trả lời báo chí, thẩm phán Toản cho hay về tình trạng sức khỏe của bà Phấn, trong hồ sơ đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa do Cơ quan CSĐT Bộ Công an trưng cầu giám định nên HĐXX xét thấy không cần thiết phải trưng cầu lại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về phiên tòa này.

Hoàn toàn có thể xử vắng mặt

Tòa hoàn toàn có thể xử vắng mặt bà Phấn. Nếu có căn cứ xác định bà Phấn lợi dụng tình trạng sức khỏe để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tố tụng của mình, các cơ quan tố tụng có quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trong khi tạm giam, bị can, bị cáo có quyền được chăm sóc y tế theo quy định của pháp luật. Và ngay cả trong trường hợp vắng mặt bị cáo thì việc xét xử vẫn diễn ra bình thường vì với hàng loạt lời khai của các bị can khác và nhiều bằng chứng trong hồ sơ đã đủ cơ sở để tòa tiến hành xét xử.

Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNGĐoàn luật sư TP.HCM

Sử dụng nhiều nguồn chứng cứ để xử

Điều 60 BLTTHS 2015 bổ sung quy định mới về quyền im lặng, theo đó bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Bà Phấn không hợp tác với CQĐT sau khi bị khởi tố có thể là do đang vận dụng quy định này.

Tuy nhiên, luật cũng quy định lời khai chỉ là một nguồn chứng cứ chứ không phải tất cả. Việc xét xử thực tế cần rất nhiều nguồn khác nhau để đối chiếu so sánh, củng cố nội dung, tình tiết, tài liệu buộc tội của cơ quan tố tụng. Lời khai của bà Phấn chỉ là một trong số các nhóm lời khai của các bên liên quan là cần chứ không đủ. Bởi vậy cơ quan tố tụng sẽ còn sử dụng nhiều nguồn chứng cứ khác nhau để xét xử. Chẳng hạn lời khai của các bị can, các chứng từ truy ngược dòng tiền tại ngân hàng… Trong cáo trạng của VKS, các bị cáo từ nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn đến Phó Tổng giám đốc Ngô Kim Huệ và nhiều cá nhân khác đều thừa nhận đã giúp sức cho bà Phấn rút ruột ngân hàng.

Luật sư HUỲNH TRUNG HIẾU, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm