Chủ sà lan có phải bồi thường cho bè cá bị đâm chìm?

Như PLO đã phản ánh, ngày 12-5, công an TP Mỹ Tho, công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan điều tra vụ sà lan tông chìm hai bè cá trên sông Tiền. Theo vụ việc, sà lan của anh V. đã đâm chìm hai bè cá trắm cỏ (khoảng 12 tấn cá) và cá chép (khoảng 6 tấn được một tháng tuổi) của anh Q. Toàn bộ cá trong bè thoát ra sông. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng trên 800 triệu đồng.

Nguyên nhân của vụ việc theo trình báo của anh V. là do vào thời điểm trên có sóng, gió rất mạnh dẫn đến khuất tầm quan sát nên xảy ra tai nạn.

Như vậy, anh V. có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Q. hay không ?

Hiện trường vụ sà lan tông chìm hai bè cá trên sông Tiền. Ảnh: T.M

Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý, đoàn LS TP.HCM, anh V. có thể được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Q. nếu tai nạn trên thuộc sự kiện bất khả kháng.  

Theo khoản 2 Điều 584 BLDS 2015, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng...

Điều 156 BLDS 2015 quy định: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Theo LS Ý phân tích, để được xác định là một sự kiện bất khả kháng, trường hợp của anh V. phải thỏa mãn đủ các điều kiện sau. Thứ nhất, việc có sóng và gió rất mạnh tại thời điểm xảy ra tai nạn phải là sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước được. Thứ hai, anh V. đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, mọi khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được.

Trên cơ sở đó, anh V. được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Q.

Tuy nhiên, nếu CQĐT xác định được sóng và gió tại thời điểm xảy ra tai nạn không thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng, thì anh V. là chủ sà lan, phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho anh Q.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 584, Điều 585, Điều 589 BLDS 2015, phạm vi bồi thường thiệt hại được xác định bao gồm: số lượng cá của anh Q. bị mất trên thực tế, chi phí hợp lý cho việc khắc phục các lồng bè bị hư hỏng và các thiệt hại khác do pháp luật quy định.

Việc bồi thường được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận, thương lượng giữa các bên. Nếu không thỏa thuận được, anh Q. có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu anh V. bồi thường thiệt hại cho mình.

Ngoài ra, cũng theo LS Ý, nếu CQĐT xác định tai nạn xảy ra nêu trên là do hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy, không thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc sự kiện bất ngờ, anh V. có thể bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo Điều 272 BLHS 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm