Chủ nhà chém chết người truy sát: Khả năng thoát tội

Như PLO.VNđã thông tin, ngày 4-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục lấy lời khai những người liên quan để điều tra làm rõ vụ án mạng xảy ra trước nhà 131 Võ Văn Tần, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Công an khám nghiệm hiện trường. Ảnh: P.NAM

Theo thông tin ban đầu, rạng sáng 4-3, nhóm của Ngô Văn Thọ (Phan Thiết) đến một căn nhà trên đường Võ Văn Tần (gần nhà Nguyễn Ngọc Khoa) để đòi nợ. Khoa ở gần đó đến xem và cự cãi với nhóm của Thọ nhưng được mọi người can ngăn. Khi Khoa quay về nhà, nhóm Thọ đe dọa sẽ đến tận nhà để giải quyết mâu thuẫn.

Khoảng 1 giờ 30 sáng 4-3, Thọ cùng hai thanh niên khác kéo đến căn nhà trên tìm Khoa. Nhóm của Thọ cầm dao, mã tấu xông vào nhà Khoa để truy sát và Khoa cũng cầm kiếm tự chế lao ra.

Hai bên đã lao vào nhau chém loạn xạ trước cửa nhà. Khoa một mình chống trả ba người và đã đuổi chém trúng vào vùng cổ của Thọ làm người này gục tại chỗ. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong tại bệnh viện. Còn Khoa cũng bị thương nhẹ.

Phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Theo luật sư (LS) Nguyễn Thị Mỹ Thanh (Đoàn LS TP.HCM), trước hết cần xem xét diễn biến vụ việc thì mới có căn cứ xác định Khoa có dấu hiệu phạm tội gì. Theo thông tin ban đầu mà báo phản ánh, nhóm của Thọ và Khoa đã có mâu thuẫn từ trước. Vì mâu thuẫn nên sau đó Thọ cùng hai người nữa mới đến nhà Khoa để truy sát. Khi đi thì nhóm của Thọ cầm dao, mã tấu theo, đây là những hung khí nguy hiểm, mang tính sát thương cao.

"Diễn biến quá trình xô xát, đánh nhau giữa hai bên chưa có thông tin chi tiết. Chỉ biết hai bên đã lao vào nhau chém loạn xạ trước cửa nhà. Nhưng có một điều chúng ta cần lưu tâm là một mình Khoa chống trả với ba người đang dùng những hung khí nguy hiểm để tấn công mình" - LS Thanh lưu ý.

Theo LS Thanh, Điều 22 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Và phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Để xem xét hành vi của Khoa có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội đủ các yếu tố. Thứ nhất, nạn nhân là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Thứ hai là thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm. Trong vụ án này, Thọ đã mang hung khí đến nhà Khoa và có hành vi tấn công Khoa là cố ý xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của Khoa. Khoa đã có hành vi chống trả và chém chết Thọ

Tuy nhiên, để xác định có phải phòng vệ chính đáng hay không, điều quan trọng cần làm rõ là hành vi chống trả phải cần thiết, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

"Do chưa biết được quá trình xô xát giữa hai bên như thế nào nên khó xác định hành vi của Khoa có ở trong mức cho phép hay không. Vì có rất nhiều khả năng xảy ra như Thọ hung hãn dùng hung khí quyết chém chết Khoa và Khoa đáp trả tương xứng. Tuy nhiên, cũng có khả năng khi Khoa đánh đáp trả, nhóm của Thọ đã bỏ chạy nhưng Khoa vẫn đuổi đánh và chém chết Thọ...

Vì vậy, cần làm rõ quá trình xô xát giữa hai bên, giữa Thọ và Khoa mới có thể xác định được hành vi của Khoa có phải là phòng vệ chính đáng hay giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng..." - LS Thanh phân tích.

Cần làm rõ quá trình xô xát

Đồng tình, LS Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) cũng cho rằng hai bên đã mâu thuẫn từ trước, nhóm của Thọ đe dọa sẽ đến tận nhà để giải quyết mâu thuẫn với Khoa nhưng cũng chưa khẳng định được nhóm của Thọ tới đe đọa, cố ý gây thương tích hay giết Khoa. Giả sử nhóm của Thọ có ý định tới nhà để giết Khoa, đã chuẩn bị hung khí và xông vào nhà ba người đánh chém Khoa. Lúc này, Khoa cũng cầm kiếm tự chế lao ra để chống trả. Nếu hành vi chống trả của Khoa là tương xứng thì đây có thể được xem là hành vi phòng vệ chính đáng.

Mặt khác, nếu nhóm của Thọ tới đe dọa, hai bên cự cãi và xảy ra xô xát. Trong lúc xô xát, rất có thể Khoa đã cố ý gây thương tích cho Thọ nhưng dẫn đến hậu quả chết người.

Một trường hợp khác có thể xảy ra nữa là nhóm của Thọ cố ý gây thương tích cho Khoa, Khoa bị kích động tinh thần trước hành vi trái pháp luật của nhóm Thọ nên đã giết Thọ trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

"Vì vậy cần làm sáng tỏ quá trình xô xát giữa đôi bên mới có thể xác định được hành vi của Khoa có phạm tội hay không, nếu có thì tội gì. Tuy nhiên, hiện nay sự liều lĩnh của nhóm đòi nợ thuê là rất manh động và hung hãn, thực tế hậu quả nghiêm trọng cũng đã xảy ra. Vì vậy cũng cần có chế tài xử lý thích đáng đối với các nhóm đòi nợ thuê có hành vi vi phạm pháp luật mới đủ sức răn đe" - LS Hiệp bày tỏ.

Theo LS Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP.HCM), giả sử qua điều tra xác định: Khi nhóm của Thọ cầm dao, mã tấu xông vào nhà Khoa để truy sát Khoa và ngay lúc đó Khoa cầm kiếm tự chế lao ra chống trả lại nhóm của Thọ nhằm bảo vệ tính mạng của mình. Lúc này, hành vi trái pháp luật của nạn nhân (nhóm Thọ) đang trực tiếp (chưa chấm dứt) xâm phạm đến tính mạng của Khoa. Vì vậy, Khoa đã không còn có thể sử dụng các biện pháp khác để ngăn chặn hành vi trái pháp luật của nhóm Thọ ngoài hành vi đã sử dụng (chém Thọ dẫn đến nạn nhân chết).  

Đồng thời, nếu Khoa dùng kiếm đáp trả lại hành vi của nhóm Thọ ngang bằng nhau thì hành vi của Khoa là phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 BLHS 2015.

"Còn nếu quá trình điều tra xác định quá trình xô xát, ẩu đả, nhóm của Thọ đã bỏ chạy (tức hành vi trái pháp luật của nhóm Thọ đã chấm dứt) nhưng Khoa vẫn tiếp tục đuổi theo và chém vào cổ của Thọ nhằm tước đoạt tính mạng của Thọ thì hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng..." - LS Ý nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm