Chủ động trả lại tiền, kẻ trộm có bị xử lý?

Như PLOđã đưa tin, mạng xã hội Facebook đăng clip ghi lại hình ảnh một người nam có hành vi lấy trộm túi tiền của một phụ nữ cùng đi trên chuyến xe khách giường nằm.

Sự việc xảy ra vào đêm 19-6, được cho là trên chuyến xe chạy tuyến Lào Cai-Thái Bình.

Theo luật sư, dù chủ động trả lại tiền trộm cắp nhưng tên trộm vẫn sẽ bị xử lý.

Hình ảnh từ clip cho thấy người này sau một hồi nhòm ngó đã lấy chiếc túi của người phụ nữ đang ngủ ở giường bên cạnh. Sau đó, kẻ gian đem chiếc túi về chỗ của mình và móc ra một xấp giống các tờ tiền và nhét vào ví của mình.

Liên hệ với gia đình người phụ nữ trên, họ cho biết kẻ trộm đã chủ động liên lạc để trả lại giấy tờ cùng số tiền gần 30 triệu đồng đã lấy.

Trước tình huống này, nhiều người đặt câu hỏi liệu sau khi chủ động trả lại số tiền đã trộm cắp, liệu tên trộm có còn bị xử lý?

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư (LS) Diệp Năng Bình, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là thủ đoạn lén lút của người phạm tội, lợi dụng sơ hở của người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ. Người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi của mình khi thực hiện, cố gắng thực hiện hành vi bằng cách thức mà người bị hại không phát hiện ra.

Hình ảnh từ clip cho thấy kẻ trộm đã có dấu hiệu phạm tội trộm cắp tài sản.

Người đàn ông chủ động đem trả lại số tiền là do toàn bộ quá trình thực hiện hành vi đã bị camera của xe khách quay lại, sau đó đăng tải lên mạng Facebook để tố cáo. Giả sử nếu không có clip này thì đối tượng có đem trả lại hay không?

“Việc trả lại tiền sẽ chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cơ quan công an vẫn cần phải khởi tố vụ án...” – LS này nói.

Cũng theo LS Bình, hành vi trộm cắp trên các tuyến xe thời gian qua gây nhức nhối trong xã hội, nhiều trường hợp khi xuống xe đến một nơi xa lạ hoặc đi chữa bệnh thì vô cùng đau khổ vì bị mất hết toàn bộ giấy tờ và tiền bạc. Hành vi này rất cần lên án.

Tội trộm cắp tài sản

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật”

Điều 173, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm